Cởi trói cơ chế, cho bệnh viện tự chủ cao nhất

Trước thực trạng quá tải bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh chưa đạt như mong muốn của người dân cũng như còn nhiều rào cản phát triển ngành y tế TPHCM, chiều 6-3, TPHCM đã làm việc với Bộ Y tế nhằm hợp tác tháo gỡ những vướng mắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc.
Cởi trói cơ chế, cho bệnh viện tự chủ cao nhất

Trước thực trạng quá tải bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh chưa đạt như mong muốn của người dân cũng như còn nhiều rào cản phát triển ngành y tế TPHCM, chiều 6-3, TPHCM đã làm việc với Bộ Y tế nhằm hợp tác tháo gỡ những vướng mắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Bình Tân

Nhiều rào cản

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, năm 2015 hệ thống bệnh viện thành phố đã khám và điều trị cho gần 35 triệu lượt bệnh nhân, trong đó chiếm 40%-50% là từ các tỉnh chuyển về. Mặc dù đã có nhiều cố gắng cả về nâng cấp, cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và nhân lực nhưng TPHCM vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu người bệnh, dẫn đến quá tải. “Tăng giường bệnh, xây dựng bệnh viện mới, nâng cấp các bệnh viện công, phát triển hệ thống y tế tư nhân là những giải pháp chống quá tải mà thành phố đã đặt ra”, ông Tăng Chí Thượng nói. Trên thực tế, TPHCM chỉ mới có một số công trình “cơi nới” của các bệnh viện hoàn thành. Còn các dự án xây mới như Bệnh viện Nhi thành phố, Khu khám, chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu, mở rộng Bệnh viện Tai mũi họng… còn dang dở!...

Sau khi nghe đại diện Sở Y tế báo cáo, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đặt ra một số vấn đề đang rất nóng bỏng cần giải quyết. “Chúng ta vì người bệnh mà nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chứ không phải vì ai cả”, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, trên tinh thần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, ngành y tế đang phải giải quyết cấp bách là tình trạng quá tải bệnh viện. Người dân TP đã quan tâm đặt ra 6 vấn đề cho ngành y tế TP là an toàn thực phẩm; dịch bệnh và tiêm chủng; quá tải giường bệnh; đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế; kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở ngoài công lập và đầu tư thêm nhiều kỹ thuật mới, cơ sở y tế mới…

Tuy nhiên, cần những giải pháp nào để giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh? Về chủ trương Sở Y tế TPHCM nói riêng và UBND TP đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Song đến nay, theo các chuyên gia y tế, nhìn vào giải pháp nào cũng có những vướng mắc, rào cản.

Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng, TPHCM “cõng” 40%-50% bệnh nhân các tỉnh, nghĩa là đầu tư cho TPHCM cũng là đầu tư cho các tỉnh. Thế nhưng, hệ thống bệnh viện công đã quá chật vật cả về cơ sở hạ tầng, nhân sự, trong khi y tế tư nhân vẫn chưa khai thác hết. Bác sĩ Nguyễn Văn Báu dẫn chứng Bệnh viện Nhân dân 115 quá tải nhưng Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân) lại vắng. Cả hai bên đã xem xét bắt tay hợp tác nhưng chưa có cơ chế cụ thể. Chẳng hạn bệnh nhân điều trị dịch vụ ở Bệnh viện Nhân dân 115 một giá, nhưng qua Bệnh viện Quốc tế City thì giá khác. Bảo hiểm y tế thanh toán cho người bệnh nằm ở Bệnh viện Quốc tế City cũng khác với ở Bệnh viện Nhân dân 115…

Tương tự, BS Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho rằng, quá tải bệnh viện là đương nhiên. Bốn mươi năm qua thành phố xây mới được mấy bệnh viện? Do đó phải tạo điều kiện thúc đẩy các dự án bệnh viện, chứ không phải cứ kiểu cơ chế “bình cũ rượu cũng cũ” thì khó mà giảm tải, nâng cao chất lượng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Bình Tân

Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm cao nhất

Mặc dù đã có cơ chế cho tự chủ nhưng đến nay TPHCM cũng chỉ mới có 7 bệnh viện tự chủ một phần hoặc hoàn toàn. Thế nhưng, đã tự chủ nhưng vẫn chưa được… tự quyết, mà nói như PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cái gì cũng phải xin. Cơ chế xin - cho quá phiền hà, mất thời gian, cơ hội. Việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay vẫn còn những bất cập, mặc dù có ưu điểm là giá thống nhất, bảo hiểm y tế dễ chi trả. Nhưng thực tế, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, giá thuốc hợp lý là do số lượng nhiều. “Việc đấu thầu tập trung nhưng nhân lực không có, Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm mua sắm thì như vừa đá bóng, vừa thổi còi”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.

Một vấn đề nữa, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan là giá thuốc thấp liệu có chất lượng; chênh lệch giá giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc sản xuất trong nước quá lớn. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan đề xuất, không phải thuốc nào cũng đấu thầu tập trung mà bệnh viện được mua những thuốc chuyên khoa, đặc trị phù hợp với mô hình bệnh tật của bệnh viện, riêng các bệnh viện tự chủ được quyền đấu thầu thuốc.

Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cho rằng, chỉ nên đấu thầu thuốc tập trung đối với tiền ngân sách, còn bệnh viện tự chủ được quyền sử dụng tiền cân đối đấu thầu thuốc phù hợp.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng “tiền của người ta mà kêu người khác đi đấu thầu thì không ổn”…

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân thành phố nói riêng và các tỉnh nói chung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, TPHCM cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng số giường bệnh. Tuy nhiên, nguồn đầu tư ở đâu? Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một phần nguồn từ ngân sách, nhưng quan trọng hơn là khuyến khích xã hội hóa, kết hợp công - tư, và có thể huy động vốn ODA. Thứ hai là TPHCM chú trọng đến đầu tư đội ngũ y bác sĩ không chỉ đáp ứng về số lượng mà cả chất lượng. “Cái quan trọng vẫn là nhân lực. Trang thiết bị, máy móc có thể mua được ngay nhưng nhân lực thì không thể có ngày một ngày hai. Đặc biệt là bác sĩ giỏi, chuyên gia giỏi”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cảm ơn Bộ Y tế đã quan tâm đến ngành y tế thành phố, cũng như cảm ơn đội ngũ y bác sĩ TP đã hết lòng vì người bệnh. Theo đồng chí Đinh La Thăng, mục tiêu là phát triển TP có chất lượng sống tốt, trở thành đầu tàu cả nước về nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Do đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đề nghị rà soát lại toàn bộ chiến lược phát triển ngành y tế, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp. “UBND TP giao Sở Y tế xây dựng cơ chế đặc thù. Thành phố đầu tàu nên có cơ chế đặc thù để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn”, Bí thư Thành ủy đề nghị. Trước mắt, Bí thư Thành ủy yêu cầu thúc đẩy nhanh các dự án y tế, bệnh viện đang xây dựng sớm đưa vào sử dụng. Những dự án xã hội hóa đang triển khai gặp vướng mắc thì tháo gỡ, nếu nhà đầu tư chậm chạp thì thay đổi. Các bệnh viện nào, dự án nào xã hội hóa được thì làm mạnh hơn, không sợ chệch hướng. “Cần phân cấp, phân quyền cho các bệnh viện. Anh nào tự chủ được cho tự chủ toàn diện, từ đấu thầu thuốc đến trang thiết bị, đến tổ chức cán bộ. Không có chuyện Sở Y tế đấu thầu bắt bệnh viện mua”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo.

Thí điểm Sở Y tế chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm

Chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh thì không có chuyện người dân ăn thức ăn bẩn. Nhưng nói quản lý an toàn thực phẩm thì lại đụng tới 3 ông (3 sở - PV) chịu trách nhiệm. Do đó, đề nghị chỉ một ông chịu trách nhiệm là Sở Y tế. Nếu chưa có quy định thì TPHCM kiến nghị cho thí điểm Sở Y tế chịu trách nhiệm đầu mối.

TƯỜNG LÂM

- Cần xã hội hóa dịch vụ khám, chữa bệnh

Tin cùng chuyên mục