* McClaren: “Tôi chịu trách nhiệm trận thua này”
1- Điều bất thường nào đã khiến Paul Robinson bị thủng lưới quả thứ hai ở phút thứ 68? Khi Gary Neville chuyền về cho Robinson từ phía cánh phải, quả bóng từ tốn lăn đi như biết bao lần trả bóng thông thường khác. Một cầu thủ chuyên nghiệp, nhất là một tuyển thủ tầm cỡ như Neville làm gì không biết cách chuyền bóng về sao cho êm! Thế nên, khi Robinson đón đường chuyền của Neville, anh cũng bình thản co chân định đá mạnh lên trên như biết bao cú phát bóng thông thường khác. Hỡi ôi, đúng lúc Robinson sắp chạm vào, quả bóng đột nhiên nẩy nhẹ qua chân anh rồi tiếp tục lăn vào lưới, cứ như là một thực thể sống biết nghịch ngợm vậy.

Pha tranh bóng quyết liệt giữa Niko Kovac (10) của Croatia và Michael Carrick của Anh.
Có lẽ suốt đời Paul Robinson sẽ không quên được bàn thua hy hữu ấy. Nó dễ dàng xóa hết công trạng của anh trong những pha xuất sắc cứu nguy cho khung thành ở nửa cuối hiệp một và đầu hiệp hai. Nó trở thành một cái cớ để giới hâm mộ luận tội anh. Nó làm cho thất bại của McClaren trở nên tồi tệ hơn nữa và đương nhiên, nó khiến Robinson không khỏi đau buồn vào cái ngày anh rất mong vươn đến kỷ lục 7 trận liên tiếp giữ sạch mành lưới cho đội tuyển của Gordon Banks huyền thoại.
Nói gì đây? Lời bênh vực của McClaren: “Paul Robinson rất thất vọng, vì thực ra cậu ấy rất xuất sắc trong trận đấu này. Khi tỷ số là 2-0, coi như xong, trận đấu an bài. Paul không xứng đáng bị như thế”. Lời giải thích ngại ngùng của Robinson: Bàn thua này thực ra chỉ xui thôi! Quả bóng tưng qua khỏi chân anh bởi vì nó lăn trúng gờ của một cái lỗ ngay trên mép vạch 5m50, nơi các thủ môn hay đặt bóng để phát lên trên. Xui đến mức đó là cùng!
2- Bởi thế, Paul Robinson cần được cảm thông thay vì phải nhận những lời trách móc. Cái vận phải thua thì kiểu gì cũng phải thua, không cách này thì cách khác. Hôm đó, đúng là đội tuyển Anh phải thua. Thua không phải vì Robinson mà thua vì cuộc cách mạng chiến thuật của Steve McClaren chỉ mang lại một cơn khủng hoảng.
Ông ta bố trí 5 cầu thủ Ashley Cole, Lampard, Michael Carrick, Scott Parker, Gary Neville vào tuyến giữa. Sáu năm nay, đây mới là lần đầu tiên đội tuyển Anh đá theo đội hình 3-5-2. Ý định của McClaren là tạo ra một lá chắn vững chắc cho 3 trung vệ và hình thành nhiều mối liên kết hơn với cặp tiền đạo. Vậy nhưng, chiến thuật ấy đã vận dụng không đúng chỗ - họ phải đá theo sơ đồ lạ lẫm này giữa những khán giả luôn tìm mọi cách trấn áp tinh thần họ. Chiến thuật ấy vận dụng không đúng với đối tượng - họ chỉ chen chúc nhau ở khu trung tuyến chứ không phong tỏa được lối chơi giàu kỹ thuật của Croatia. Chiến thuật ấy cũng vận dụng không đúng với con người - những cầu thủ vốn dĩ là hậu vệ như Ashley Cole và Neville hoặc vốn là tiền vệ phòng thủ như Scott Parker thì không thể nào sáng tạo như những chuyên gia tấn công thực thụ.
Cho nên tiền đạo Peter Crouch hầu như không nhận được một đường chuyền nào ra hồn trong hơn 70 phút thi đấu trước khi bị thay ra. Rooney hầu như không bao giờ nhận được một đường chuyền ở vị trí thuận lợi, liên tục phải lùi về tìm bóng và chỉ có duy nhất một cú sút nguy hiểm ở phút thứ 54 - đó cũng là cơ hội rõ rệt duy nhất của đội tuyển Anh suốt cả 90 phút. Trong khi đó, toàn bộ hệ thống sau lưng Rooney và Peter Crouch chỉ lẩn quẩn đi tìm một cách thức nào đó chống trả đội chủ nhà.
3- Croatia sở hữu nhiều cầu thủ nhanh nhẹn, táo bạo và giàu kỹ thuật như Kranjcar, Rapaic, Petric, Eduardo da Silva. Với sự đa dạng trong cách phối hợp nhỏ, họ luôn lách qua được hàng tiền vệ Anh và liên tục sấn thẳng tới trước bộ ba trung vệ Rio Ferdinand -John Terry - Carragher bằng những đợt bứt phá từ 40-50m trước khung thành Robinson. Hậu vệ Rio Ferdinand buộc phải liên tục phạm lỗi trước khi chùn lại ngay ở giữa hiệp một vì bị phạt chiếc thẻ vàng. Cầu môn Robinson chao đảo vì ít nhất 4 bàn thua trông thấy ở nửa cuối hiệp một và đầu hiệp hai. Thậm chí, ngay cả sau khi thua 0-2, Robinson suýt chút nữa phải vào lưới nhặt bóng lần thứ ba ở phút thứ 84, khi hậu vệ Simunich bật lên cao đánh đầu. May thay, quả đánh đầu ấy vọt xà và thất bại của McClaren mới dừng lại ở 2 bàn cách biệt...
...Khi chiếc xe ca chở đội tuyển Anh rời sân Maksimir, rất nhiều cổ động viên Anh vây quanh, giận dữ đòi McClaren từ chức và đưa David Beckham trở lại đội tuyển, mặc dù rất có thể nhiều người trong đó đã từng tung hô McClaren khi ông loại Beckham cách đây vài tháng. McClaren có trốn tránh không? Ông ta không trốn tránh mà sẵn sàng nhận hết trách nhiệm: “Chúng tôi thua trận, nên đương nhiên là chiến thuật của tôi không mang lại hiệu quả. Quyết định thay đổi sang 3-5-2 là do tôi, chọn cầu thủ là tôi, vì thế, tôi chịu trách nhiệm trận thua này. Nếu thắng, tôi nhận lời khen. Nếu thua, tôi nhận lời chỉ trích. Nghiệp cầm quân là như thế”.
Không hiểu đây là chấp nhận hay thách thức! Vì thế, cũng khó biết CĐV Anh sẽ bày tỏ thái độ gì khi nghe những lời này.
Hưng Nguyên