Bạo lực nổ ra ở Rome, rồi bạo lực lại nổ ra ở Seville - 2 nơi có các CLB Anh và khán giả Anh hiện diện. Khán giả Tottenham đã đánh nhau với cảnh sát TBN ở trận tứ kết lượt đi Cúp UEFA tại Seville. Biến cố này xảy ra chỉ 24 giờ sau cuộc chạm trán thứ nhất giữa khán giả Manchester United với cảnh sát và CĐV Italia ở Rome khiến 18 CĐV Manchester phải vào bệnh viện.
Cơn ác mộng ở Sevilla
Trước trận Sevilla - Tottenham, cảnh sát chống bạo động TBN đã phải ra tay trấn áp để tách rời những nhóm khán giả đối địch bên ngoài sân Ramon Sanchez-Pizjuan. Tách rời, nhưng không thể làm họ nguội đi. Chưa đầy nửa giờ sau khi trận đấu diễn ra, rắc rối bắt đầu xuất hiện ở khu vực khán đài sau lưng khung thành Tottenham. Đó là khu vực mà phần lớn trong số 4.000 khán giả Tottenham đang ngồi. Khán giả Anh trổ tài... quyền Anh, phá ghế ngồi ném vào lực lượng an ninh. Cảnh sát quật lại bằng dùi cui. Cảnh tượng đó giống hệt vụ bạo loạn trên khán đài Olympico trong trận Champions League giữa AS Roma và Manchester đêm trước. Chỉ có điều là hình như khán giả của Seville không dây vào.

Một CĐ V của Tottenham ngồi xem bóng đá trên khán đài, bất kể máu chảy trên mặt.
Không dừng lại ở đó, rắc rối tiếp tục diễn ra trong giờ giải lao. Sự hỗn loạn tiếp tục. Đủ thứ đồ vật ném qua ném lại. Lần này không riêng gì khu vực sau khung thành, hầu như bất cứ khu vực nào trên sân có mặt CĐV của Tottenham cũng lộn xộn. Đó là lúc Sevilla đã dẫn lại Tottenham 2-1 từ chỗ bị thủng lưới trước một bàn. Trong hiệp hai, không có bàn thắng nào được ghi thêm và cũng chẳng xảy ra thêm vụ lộn xộn nào sau khi cảnh sát đã rời đi. Một quan chức của Đại sứ quán Anh quốc cho biết đã có 6 CĐV bị bắt, 6 người bị thương, trong đó có 3 người phải vào bệnh viện. Hai cảnh sát TBN cũng đã bị thương.
Giống như nhiều khán giả Manchester United trở về từ nước Ý, nhiều khán giả Tottenham cũng cực lực lên án cảnh sát TBN đã quá mạnh tay đàn áp. Daniel Wynne, thành viên của một hiệp hội người hâm mộ Tottenham cho biết: “Tôi ngồi ở tầng trên nên thấy rất rõ. Cảnh sát đã hành động thái quá. Sau khi Sevilla ghi bàn từ một quả phạt đền đáng tranh cãi, một nhóm khán giả Tottenham đã tức lên và cảnh sát vung dùi cui ngay tức khắc. Có một người ngồi xe lăn và cảnh sát đã nện luôn anh ta. Có một bé gái bị đánh, máu chảy đầy mặt. Khi cảnh sát bỏ đi, tất cả bình yên trở lại ngay”. Nói vậy có khác gì kết tội chính cảnh sát gây ra cảnh đổ máu.
Cần những lời giải thích
Đêm đó, Tottenham đã mau chóng công bố hoàn toàn ủng hộ nếu UEFA mở cuộc điều tra. Đáng nói hơn là CLB này đã đặt ra câu hỏi về vai trò của cảnh sát trong vụ bạo loạn trên sân. “Những báo cáo ban đầu chúng tôi nhận được cho thấy không hề xảy ra chuyện đánh lộn giữa CĐV với nhau. Vì thế, chúng tôi cần một lời giải thích về lý do tại sao cảnh sát lại phản ứng với khán giả của chúng tôi như thế”.
Giống như Tottenham, Manchester United chắc hẳn cũng đã chờ đợi một lời giải thích tương tự từ cảnh sát Ý. Cần phải nhắc lại rằng đã có tổng cộng 18 khán giả Manchester United phải vào bệnh viện và hình ảnh một khán giả đang loạng choạng với bộ mặt đầy máu trên khán đài Olympico đã được giới truyền thông phát đi toàn thế giới. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5-4, Manchester United đã bày tỏ mối lo ngại về “sự đánh đập bừa bãi” của cảnh sát Ý và cho biết họ sẵn sàng hợp tác với cuộc điều tra của chính phủ Anh về vụ bạo loạn ở Rome.
Nhưng có lẽ khác với Tottenham, các quan chức Manchester United không khỏi choáng váng khi nghe LĐBĐ Ý và cảnh sát Ý khẳng định rằng cảnh sát đã làm đúng. Tân Chủ tịch LĐBĐ Italia Giancarlo Abete tuyên bố: “Báo chí Anh lên án cảnh sát mạnh tay, nhưng thực sự chúng tôi rất biết ơn lực lượng an ninh. Những người làm bổn phận bảo vệ trận đấu không thể bị chỉ trích như vậy”. Còn cảnh sát trưởng thành phố Rome, ông Achille Serra nói: “Nhân viên an ninh trong sân đã bị những CĐV say xỉn lấn át. Cảnh sát phải can thiệp. Tôi đã có mặt ở đó. Từ những gì tôi tận mắt chứng kiến thì rõ ràng cảnh sát đã làm đúng nguyên tắc. Để cố gắng tái lập trật tự trong một nhóm người say xỉn thịnh nộ thì không thể dùng một bó hoa được”.
Cũng cần nhắc lại rằng UEFA có khả năng sẽ trừng phạt Manchester United vì khán giả “có hành vi không đúng mực” giống như ở trận đấu với Lille gần đây. Lần đó, Manchester United bị phạt 6.300 bảng Anh. Lần này, có thể hình phạt nặng hơn. Theo bình luận trên các trang báo thể thao Anh, nghe như vậy thì vết thương của những CĐV Manchester bị đánh đập càng đau hơn...
Tìm bản chất của vấn đề
Trong khi cuộc tranh cãi vẫn còn diễn ra giữa những người tự nhận là nạn nhân và những người bị cho là thủ phạm, có một tiếng nói trung dung. Đó là Gabriel Marcotti, một tác giả chuyên viết báo và viết sách bóng đá ở London. Marcotti viết rằng nếu đọc kỹ báo Anh và báo Ý vào thứ Năm, tức một ngày sau cuộc chạm trán giữa AS Roma - Manchester United thì người ta dễ hiểu lầm là có 2 trận đấu riêng rẽ, không liên quan gì đến nhau. Tức là bên nào cũng cho rằng mình đúng.
Nhưng có một mối liên quan. Theo Marcotti, vấn đề là khán giả đến từ nước Anh không quen với các phương pháp làm việc của cảnh sát Ý. Ngược lại, khán giả Ý thì đã quá hiểu những gì chờ đợi họ ở một số sân bóng, đặc biệt là ở các khu vực thường dành cho những CĐV quá khích nhất của đội khách. Marcotti viết: “Trong các khu vực ấy, cái gọi là luật dân sự, hay nhân quyền, đều bị vứt ra ngoài cửa sổ. Hoặc là anh xử sự đàng hoàng và mong sao những người chung quanh cũng làm như vậy. Hoặc là anh phải sẵn sàng đối diện với dùi cui ngay khi có biểu hiện đầu tiên của sự lộn xộn. Những kẻ thích đánh nhau thường thích chọn những khu vực nhạy cảm này. Từ đó, nếu khán giả Manchester cũng ném đồ vật như khán giả Roma và nếu hành động ấy không chấm dứt tức khắc, thì đương nhiên mọi khán giả Manchester ở khu vực này đều trả giá”.
Liệu Marcotti có phản ánh đúng bản chất vấn đề hay không?!
Hưng Nguyên tổng hợp