(SGGPO).- Đó là nội dung được nhiều ý kiến góp ý tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TPHCM vào ngày 28-7.
Theo thông tin do đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại hội nghị, tính đến ngày 31-12-2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình; có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.
Hầu hết đội ngũ nhà báo đều tâm huyết, yêu nghề, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, khách quan, tôn trọng sự thật, không lợi dụng nghề nghiệp và làm trái pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật bị xử lý.
Trong năm 2013, có 4 phóng viên bị cơ quan điều tra khởi tố bắt giam, không ít phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị cá nhân, tổ chức khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách; thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, chưa chính xác, sai sự thật, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân (đặc biệt trên báo điện tử).
“Nhìn vào số liệu vi phạm thấy rằng tất cả các vi phạm mà cơ quan báo chí bị xử lý đều do không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, trong đó vi phạm thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn. Thông tin sai sự thật thể hiện ở nhiều mảng baà viết: vụ án, các vấn đề tiêu cực trong xã hội, đời tư cá nhân, lịch sử dân tộc, chính sách của Nhà nước, chủ quyền quốc gia”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí còn nhiều hạn chế. Trước tiên, các quy phạm pháp luật về báo chí được quy định trong quá nhiều văn bản. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có đến 50 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Những văn bản này đều được kiểm nghiệm qua thực tế áp dụng nên có thể xem xét để hợp nhất vào Luật Báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý, nhà báo và người dân theo dõi, thi hành.
Bên cạnh đó, tuy số lượng nhiều nhưng quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật về báo chí chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí. Cụ thể, tuy có quy định báo chí phải được quyền tiếp cận thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác nhưng thực tế, việc báo chí tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp nhiều khó khăn; Luật Báo chí quy định cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thế nhưng quy định này rất khó thực hiện; Luật Báo chí bỏ qua một hiện thực là hiện có hàng nghìn trang tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học bệnh viện…
Luật Báo chí năm 1989 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1999) đến nay bộc lộ một số mặt chưa hoàn chỉnh, không điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, không còn phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị sẽ diễn ra trong một ngày, là cơ sở để hoàn chỉnh Báo cáo kết quả giám sát và chuẩn bị thẩm tra Dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
ÁI CHÂN