Con cái chúng ta có hạnh phúc?

Sinh con, nuôi con, dồn hết tình thương và mong con sung sướng, đầy đủ nhưng có bao giờ các bậc cha mẹ đặt hỏi xem con cái mình có thực sự hạnh phúc?
Con cái chúng ta có hạnh phúc?

Sinh con, nuôi con, dồn hết tình thương và mong con sung sướng, đầy đủ nhưng có bao giờ các bậc cha mẹ đặt hỏi xem con cái mình có thực sự hạnh phúc?

Sự quan tâm chia sẻ của cha mẹ sẽ giúp trẻ em tự tin phát triển hài hòa

Đừng bắt con học thêm quá nhiều

“ Suốt tuổi thơ - một thời đi học, con luôn phải gánh áp lực học thật giỏi, phải đứng tốp đầu trong lớp để làm vui lòng cha mẹ. Nhưng để đạt được thành tích này, con phải học thêm đủ các môn từ Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn và chẳng còn thời gian nào vui chơi, giải trí. Con nhớ nhất là kỳ thi “sống còn” vào lớp 10 công lập thuộc trường THPT tốp trên ở thành phố. Con đã trút hết sinh lực, học ngày học đêm để mong đậu vào lớp 10 ở trường có thương hiệu. Thế nhưng, dù học giỏi và được thầy cô đánh giá cao về năng khiếu môn Toán nhưng con đã rớt nguyện vọng 1 vào trường mà mẹ kỳ vọng. Nhìn mẹ thất vọng vì con chỉ đạt điểm vào trường tốp giữa, con cảm thấy mình vô dụng. Từ cú sốc đó, bước vào lớp 10, con học kém hơn và bắt đầu ngán học trên lớp, sợ đi học thêm. Con bắt đầu tìm niềm vui trong chơi game và lén lút giấu mẹ, kể cả thỉnh thoảng bỏ học đến tiệm game gần trường. Thấy vậy mẹ càng bắt con học thêm nhiều hơn, kiểm soát giờ giấc của con gắt gao hơn. Mẹ coi con như một đứa trẻ chưa thể lớn, chưa thể suy nghĩ độc lập và được làm điều gì mình thích. Con chán học nhưng mẹ không hiểu lý do vì sao? Ở lớp thì bị thầy cô trách móc, chỉ trích vì học dở, kéo điểm thi đua của lớp xuống thấp. Về nhà bị ba mẹ bắt học, học thêm thật nhiều. Con muốn dành thời gian đi dã ngoại, đi phượt với bạn bè vào kỳ nghỉ ngắn, mùa hè nhưng mẹ sợ đủ thứ và không thể thả con ra đời, dù con đã học lớp 11. Rồi con cũng đón nhận những rung động đầu đời với bạn gái học cùng lớp học thêm. Chúng con hợp nhau đủ thứ và chia sẻ mọi điều mà người lớn không thể hiểu. Biết chuyện mẹ cấm đoán và chuyển con đến chỗ học thêm khác và hăm he đủ điều như thể con phạm tội. Rồi con cũng học xong lớp 12, vựợt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng điểm thấp nên trượt đại học. Cú sốc này khiến ba mẹ suy sụp, còn con như kẻ mất hồn, mất phương hướng. Suốt những ngày tháng nằm nhà gặm nhấm nỗi buồn, sự thất bại đầu đời, con cảm thấy day dứt, nặng nề vì đã làm ba mẹ thất vọng. Nhưng con tự hỏi, ba mẹ sẽ còn áp đặt, lập trình tương lai cho con đến bao giờ? Tại sao con không được khuyến khích, ủng hộ làm những gì mình thích? Con hiểu ba mẹ đã lo cho con ăn học và dành hết tình cảm, niềm tin cho con. Nhưng có bao giờ ba mẹ hiểu con đang gặp phải những khó khăn, trở ngại gì trong cuộc sống, học hành đầy áp lực này không? Thực sự con cảm thấy chán nản, bế tắc và không cảm thấy hạnh phúc với những gì mình được nhận từ ba mẹ…”.

Đọc những lời thổ lộ của con trai khi cậu ta đã bỏ nhà đi bụi nhiều ngày, người mẹ này mới ngộ nhận ra sự thực là “mình và nhiều bà mẹ khác chỉ biết nuôi chứ chưa biết cách dưỡng và chăm sóc con”. Cũng may là chị kịp nhận ra con mình đang bị sốc, bị trầm cảm nên đã tìm đến chuyên viên tâm lý nhờ tư vấn, hỗ trợ. Bây giờ chàng trai này đã ổn định tâm lý và đang theo học một nghề mình yêu thích.

Hãy sẻ chia với con

Theo các chuyên gia tâm lý học, xã hội học, giới trẻ ngày nay đang đối mặt với nhiều áp lực, vấn đề xã hội phức tạp nhưng không nhận được sự hỗ trợ, tháo gỡ nên dễ bị rối nhiễu tâm lý, kể cả bị tâm thần. Thế nhưng, rất ít bậc cha mẹ, thầy cô hiểu rõ vấn đề mà các em gặp phải để có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện sa sút về sức khỏe tâm thần như sang chấn tâm lý, trầm cảm, tâm thần phân liệt... Theo một giảng viên ngành công tác xã hội ở Trường ĐH Vinh, thực trạng học sinh ở Việt Nam gặp các khó khăn về tâm lý rất đáng báo động. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 31% trẻ vị thành niên, thanh niên có trục trặc về tâm lý, cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân. Đặc biệt ở độ tuổi dậy thì, tiền dậy thì (11-15 tuổi) là thời kỳ các em dễ bị rối loạn tâm lý (trầm cảm, lo âu…) nhiều nhất. Nếu không được điều trị kịp thời các rối loạn này thì các em dễ mắc phải các bệnh về tâm thần.

Theo kết quả khảo sát của Th.S Nguyễn Thị Phương Trang (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), phần lớn thiếu niên đều có xung đột với cha mẹ và chiếm nhiều nhất là vấn đề liên quan đến học tập. Khi xảy ra xung đột, bị cha mẹ kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên hoặc thúc ép, quát mắng việc học hành, các em rơi vào trạng thái tâm lý ức chế, bị tổn thương về tâm lý. Một nữ sinh tâm sự: “Em cảm thấy chán nản, không muốn nói chuyện với cha mẹ vì có nói họ cũng không hiểu, lại còn la mắng”. Những nghiên cứu cho thấy, khi bị ức chế, tổn thương về tâm lý, giới trẻ thường có suy nghĩ, hành động tiêu cực như bỏ nhà ra đi hoặc có biểu hiện sai lệch ảnh hưởng đến sự phát triển về nhân cách. Vì thế, để đứa trẻ phát triển bình thường và lớn lên cảm nhận được hạnh phúc từ sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình thì các bậc cha mẹ  phải thấu hiểu các em muốn gì, thích gì. Mọi sự áp đặt, thiếu tôn trọng cũng như kỳ vọng thái quá của cha mẹ vào tương lai, sự học hành của con cái sẽ khiến chúng mất tự tin, bị tổn thương về tâm lý. Thay vì đòi hỏi ở con cái và bắt chúng sống theo lập trình của mình, cha mẹ nên quan tâm, nhìn xem mỗi ngày chúng có thực sự cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui hay không?

DIỆU ANH

Tin cùng chuyên mục