Yêu vội, cưới gấp hoặc không chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để vượt qua những thử thách, phức tạp của cuộc sống hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng đã chọn chia tay. Thế nhưng, hệ lụy, di chứng mà những đứa trẻ phải gánh chịu sau ly hôn rất lớn.
Khí độc khói đen âm ỉ trong nhà
Dù đã chia tay chồng nhiều năm nhưng chị Hòa vẫn luôn soi mói người chồng cũ bạc tình và chì chiết ông ta vô trách nhiệm với con cái. Chỉ khổ cho hai đứa con trai hơn 10 năm qua phải chịu trận những cơn giận dữ, những lời trách móc nặng hằn học, thù hận từ mẹ mình.
Sống trong môi trường thiếu tình thương của cha lại thêm bị bao phủ bởi khí độc hận thù của mẹ nên hai cậu con trai chọn cách sống khép kín, giống như tự kỷ. Chẳng những học hành nhàng nhàng, giao tiếp xã hội kém, hai đứa còn sớm làm quen với thuốc lá, rượu bia và chất gây nghiện. Rồi bước qua tuổi 30, cả hai thanh niên này cứ sống phớt đời, không có ý định lập gia đình. Họ phân bua rằng hôn nhân là nỗi ám ảnh đáng sợ và bước vào sẽ “dính chàm” giống như bi kịch - hố sâu địa ngục mà cha mẹ họ đã tạo ra. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là một di chứng sợ hôn nhân do ảnh hưởng từ vết sẹo chia tay của bố mẹ.
Một trường hợp khác, vợ chồng anh T. chị V. chia tay sau 5 năm chung sống và họ có chung một cô con gái. Thế nhưng, vì cho rằng con ở với mẹ sẽ không được chăm sóc tốt nên anh T. tìm mọi cách giành quyền nuôi con. Và bi kịch tranh chấp con cái kéo dài sau nhiều năm ly hôn. Cuối cùng tòa án phân xử anh nuôi con ba ngày trong tuần, còn lại 4 ngày là phần của chị. Thế nhưng, hệ lụy của việc “lập trình” thời gian sống với mẹ và bố khiến đứa trẻ rơi vào tâm trạng bất an, buồn bực, kể cả giận dữ. Sau những câu hỏi “tại sao ba mẹ không ở với nhau?” được giải thích khó thuyết phục, nó đành chấp nhận hoàn cảnh đặc biệt của mình. Rồi nó cũng hiểu ra sự thật là ba, mẹ không thích nhau nên tìm cách kiềm chế tình cảm, giấu cảm xúc thật của mình để vừa lòng cả hai người.
Tuy nhiên, việc phải thích ứng với “hai nửa gia đình” sẽ hình thành những thói quen tạm bợ, đối phó, kể cả nói dối ở những đứa con bị hoàn cảnh xô đẩy. Theo các chuyên gia tâm lý, vì cảm thấy chênh vênh, hụt hẫng, mất niềm tin vào người lớn, nhiều trẻ hoặc phản ứng ngầm hoặc rơi vào tình trạng bị rối nhiễu tâm trí, rối loạn cảm xúc, hành vi. Một giáo viên ở TPHCM kể rằng một học sinh lớp 6 của mình hay có biểu hiện căng thẳng, nóng nảy, thích nổi loạn và đánh bạn. Tìm hiểu hoàn cảnh thì ra ba mẹ em ly dị và em phải sống với ba và gia đình mới của ba với dì và em nhỏ. Mẹ em cũng có gia đình mới, có thêm em bé nên em chẳng thích ở với ai. Dù nhớ mẹ nhưng chỉ được gặp mẹ vào ngày cuối tuần. Điều khiến em hụt hẫng là mình bị bỏ rơi, không được ai quan tâm. Dù hiểu mẹ cũng thương mình nhưng lại bận em bé nhỏ nên không thể đưa em đi chơi, đi dạo hoặc tâm sự như trước đây. Vì chán ghét mọi người, cảm thấy mình không được yêu thương nên em luôn bực bội, có nhiều biểu hiện bất thường, thích nổi loạn... Đây cũng là một trường hợp ảnh hưởng của di chứng ly hôn của cha mẹ.
Được yêu thương, chăm sóc đầy đủ, học sinh dù nghèo cũng ít bỏ học
Cha mẹ ly hôn, con cái dễ đổ vỡ
Thống kê và phân tích những vụ bạo lực học đường, tội phạm ở tuổi vị thành niên, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý đều cho rằng những học sinh “trục trặc” về tâm lý, không biết cách ứng xử, kìm nén cảm xúc, thích dùng bạo lực thường rơi vào những gia đình ly tán, thiếu tình thương, sự quan tâm của người thân. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, 60% học sinh trải qua những biến cố gia đình như ly hôn, mất mát người thân hay cha mẹ tái hôn thường bỏ học sớm. Không những thế, xu hướng phạm tội, sa chân vào các loại tệ nạn xã hội… cũng gia tăng đáng kể. Theo nhiều thẩm phán, chuyên gia hôn nhân gia đình, những đứa con có cha mẹ ly hôn thường có xu hướng đi theo vết xe đổ với tỷ lệ ly hôn tăng gấp đôi so với những cặp vợ chồng khác. Do bị mất mát, tổn thương tình cảm gia đình, giới trẻ dễ đồng cảm với người cùng hoàn cảnh, kết hôn sớm. Thế nhưng, khi lấy nhau, họ không rút ra bài học đau thương từ cha mẹ và lại mắc sai lầm, dẫn đến ly hôn sớm. Đây cũng là một trong những hệ lụy đáng suy ngẫm.
Nhiều nghiên cứu của các nhà xã hội học, tâm lý học đã cảnh báo nhiều hệ lụy, tổn thương phát sinh mà đứa trẻ sẽ gánh chịu khi cha mẹ quyết tâm “chia đàn xẻ nghé” - đường ai nấy đi. Chính vì thế, trước khi kết hôn, các cặp tân hôn phải suy nghĩ thấu đáo, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó, vượt qua thử thách, độ vênh trong cuộc sống hôn nhân. Chỉ có lòng bao dung, biết sẻ chia, tha thứ, hợp tác, quan trọng là có trách nhiệm với con cái thì người trong cuộc mới giữ được tổ ấm, tạo ra hạnh phúc bền vững.
Diệu Anh