Con đã lớn

Những ngày này, báo chí châu Âu liên tục đưa sốt dẻo về tình hình suy thoái kinh tế của các nước EU. Thậm chí, báo chí Anh còn đặt dấu hỏi lớn về nguy cơ xứ sở sương mù có khả năng bị cuốn vào vòng suy thoái.

Ngồi nhà những ngày đông lạnh lẽo, chán nản xem tin tức kinh tế, lướt qua những dòng tin về các sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Nữ hoàng lên ngôi, tôi chợt dừng lại ở bài viết về trẻ nhỏ trên Daily Mail. Theo tác giả, việc những đứa trẻ đã 5 tuổi mà vẫn phải mặc tã, loay hoay không biết giở một quyển sách và chỉ thích uống nước giải khát có gas, quen với thức ăn nhanh… là chuyện vô cùng bình thường trong nhiều gia đình ở Anh hiện nay.

Vậy thì có khác lắm so với trẻ con ở mình đâu nhỉ? Gọi điện định “tám” vui với Mary, cô bạn là giáo viên một trường mẫu giáo ở London, ai ngờ bạn lại chẳng nghĩ như mình. Bạn nói, có thể đó là vấn đề bình thường tại nhiều nơi nhưng với các nền giáo dục tiến bộ ở châu Âu, đây thực sự là mối lo. Ngay như ở trường nơi bạn dạy, các bé khỏe, ngoan nhưng lại hầu như không biết tự làm gì cả. Dù đã 4-5 tuổi nhưng các bé luôn mặc tã cả khi ở nhà lẫn khi tới trường. Rất nhiều học trò trong lớp của Mary gặp vấn đề nghiêm trọng về răng miệng nhưng bố mẹ hoàn toàn không để ý đến. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát âm của trẻ vì khiếm khuyết ở răng miệng khiến chúng không thể phát âm được những từ khó. Nếu có chia sẻ với gia đình thì các phụ huynh cho rằng việc hướng dẫn con cái cách để chúng tự vệ sinh cá nhân hoàn toàn là trách nhiệm của lớp học. Còn ở nhà, bố mẹ chúng chỉ cho con uống những loại nước có gas, nhiều đường theo sở thích của con. Còn nữa, nhiều bé 5 tuổi vẫn chỉ biết uống bằng bình sữa thay vì dùng ly.

Thời gian nghỉ hè mỗi năm cũng là lúc Mary, cũng như các bạn giáo viên khác, đến thăm gia đình của những bé họ sẽ phụ trách. 2/3 số gia đình có trang bị tivi LCD lớn, máy chơi game hiện đại nhưng lại thiếu hẳn những món đồ chơi kích thích sự sáng tạo của trẻ em cũng như chẳng có một quyển sách ảnh nào. Những phụ huynh tỏ ra thờ ơ khi Mary đề cập đến việc hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Họ cũng chẳng buồn vặn nhỏ tivi khi trò chuyện cùng cô. Bố mẹ của những đứa trẻ này dường như quên mất việc con mình đang lớn, phải làm quen với thế giới bên ngoài thông qua những kỹ năng cơ bản nhất. Theo họ, tất cả thuộc về trách nhiệm của nhà trường.

Khảo sát mới nhất do Hiệp hội giáo viên Anh quốc phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục và dự phòng cho sự phát triển của trẻ em ở Anh thực hiện đã cho thấy 41% trẻ nhỏ ở Anh không có đủ kỹ năng phát triển tối thiểu như câu chuyện của bạn ở trên. Nước Anh đứng ở vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng kỹ năng toán và khoa học của học sinh. Những trường đại học danh giá nhất châu Âu cũng hầu như tập trung ở Anh. Với bề dày lịch sử giáo dục như vậy, “chuyện nhỏ” đôi khi lại là “chuyện lớn” của các nhà giáo dục tâm huyết Anh. Họ sợ ảnh hưởng từ một tuổi thơ “nghèo nàn” về kỹ năng phát triển sẽ ảnh hưởng đến một thế hệ tương lai của xã hội. Lại nghĩ, đến khi nào mình cũng mới coi đó là “chuyện lớn”?

Việt Hồng (Từ London)

Tin cùng chuyên mục