Con dao hai lưỡi

Ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản đang trên đà phát triển mạnh với 17 nhà máy điện hạt nhân có tổng cộng 55 lò phản ứng. Bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, vụ khủng hoảng hạt nhân vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Các lò phản ứng số 2 và số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đều phát sinh sự cố và có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát khiến chính phủ buộc phải tuyên bố mức báo động hạt nhân cao nhất.

Hướng gió đang đẩy đám mây phóng xạ di chuyển về phía Thái Bình Dương và tiến vào Mỹ, Canada, hiện đã qua Đại Tây Dương và đến châu Âu. Cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay là đòn giáng mạnh vào chiến lược năng lượng của Chính phủ Nhật Bản, khiến các nước đặt dấu hỏi lớn về năng lực của hệ thống giám sát hạt nhân của nước này. Sự kiện cũng tác động mạnh tới các dự án điện nguyên tử trên khắp thế giới, khiến không ít quốc gia phải xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân của mình.

Trung Quốc (hiện có 13 nhà máy đang hoạt động và 25 nhà máy hạt nhân đang trong quá trình xây dựng) đã quyết định tạm ngừng tiến trình phê chuẩn việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra lại các tiêu chuẩn an toàn, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra mức độ an toàn của các nhà máy hiện có.

Chính phủ Ấn Độ ra lệnh kiểm tra lại toàn bộ thiết bị đảm bảo an toàn của tất cả nhà máy điện hạt nhân. Tương tự, Đức đóng cửa 12 lò phản ứng hạt nhân cũ nhất, được xây dựng trước năm 1980, trong vòng 3 tháng để kiểm tra độ an toàn.

Tây Ban Nha tuyên bố tiến hành kiểm tra toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của nước này. Các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt và toàn diện cũng sẽ được thực hiện tại các nhà máy điện hạt nhân của các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Thụy Sỹ, Pháp.

Tại Mỹ, sau cuộc điều trần tại Quốc hội về độ an toàn các cơ sở điện hạt nhân tại nước này, Quốc hội siết chặt các tiêu chuẩn an toàn, kiểm tra toàn bộ 31 nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ tương tự như lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản. Dư luận Mỹ cũng đề nghị ngừng cấp phép mới các dự án điện hạt nhân.Vụ khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản cũng gây ra mối lo ngại về thị trường năng lượng trên toàn thế giới.

Hiện tượng ô nhiễm môi trường và giá xăng dầu thế giới tăng cao do biến động chính trị thời gian qua đã khiến nhiều nước chuyển sang phát triển điện hạt nhân, mặc dù nó đòi hỏi có trình độ khoa học kỹ thuật cao và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Hầu hết dư luận đều cho rằng đây là nguồn năng lượng có tương lai trên thế giới. Nhưng vụ khủng hoảng hạt nhân tại Nhật đã khiến dư luận buộc phải nhìn nhận điện hạt nhân đã thực sự trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt, điện hạt nhân giúp đảm bảo môi trường trong sạch, giá thành hạ, nhưng khi sự cố xảy ra nó lại tỏ ra vô cùng nguy hại không chỉ đối với một nước, một khu vực mà còn đối với cả thế giới. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục