Thời trẻ, họ từng tung hoành trong các trận đấu đối kháng và giành huy chương Olympic, Asian Games, SEA Games… Ngày nay, tuy đã bước sang tuổi 30, 40, thậm chí 50, nhưng họ vẫn dành thời gian tập luyện để mang về cho Tổ quốc những chiếc HCV tại giải vô địch quyền taekwondo Đông Nam Á hồi đầu tháng 4-2011. Đó là sự trở lại của những tên tuổi một thời như: Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Huỳnh Thị Bích Ngọc…
1. Trần Hiếu Ngân, sinh năm 1974, là một tên tuổi lớn của thể thao Việt Nam khi cô đoạt HCB hạng cân dưới 57kg tại Olympic Sydney 2000. Rời sàn đấu, cô về làm việc tại Trung tâm Đào tạo VĐV Võ thuật TPHCM và lập gia đình, nay được 2 con (gái 9 tuổi, trai 3 tuổi). Một ngày của Hiếu Ngân khá tất bật, nhất là các ngày thứ Hai Tư, Sáu. Sáng làm việc tại cơ quan, chiều huấn luyện cho đội tuyển thành phố, tối còn dạy cho lớp phong trào và năng khiếu trọng điểm. Mãi đến 20 giờ mới xong việc và đón con đi học về. Dù vậy, mỗi tuần, Hiếu Ngân đều dành 3 buổi tối để luyện quyền.
Nhà á quân Olympic cho biết: “Đứng lớp phong trào nên tôi thường tập quyền thật kỹ để dạy các em vì đây là nội dung rất cần thiết khi thi thăng đai. Vả lại, thường xuyên tập luyện cũng giúp cho khỏe người, chứ ngồi trước máy vi tính nhiều quá mà không năng vận động cũng bị đuối sức”. Trả lời câu hỏi: “Công việc nhiều như vậy thì làm sao lo cho con cái?”, Hiếu Ngân vui vẻ đáp: “Nhờ ông xã đỡ đần nên chuyện nhà cửa, chăm lo con cái cũng khá chu toàn (cười)…”.
2. Nguyễn Thị Huyền Diệu năm nay 31 tuổi và cũng là bà mẹ của 1 bé trai 3 tuổi. Thời trẻ, Huyền Diệu giỏi cả quyền lẫn đấu đối kháng. Cô từng 4 lần liên tục vô địch SEA Games (1999-2005), á quân giải vô địch châu Á năm 2002, 2004 và Asian Games 14. Huyền Diệu chuyển sang công tác huấn luyện năm 2007, sau đó công tác tại Sở TDTT TPHCM (nay là Sở VH-TT-DL TPHCM) rồi về Trường Nghiệp vụ TDTT từ năm 2010.
Tại đây, ngoài công việc hành chánh, Huyền Diệu còn tập luyện và cùng HLV Thanh Huy hướng dẫn đội quyền TPHCM. Bà mẹ 1 con này bày tỏ: “Hồi nhỏ tôi từng thi quyền nên nắm được căn bản. Khi nghe thầy Huy nói chuẩn bị lực lượng dự giải thi quyền quốc tế cho đối tượng ngoài 30 tuổi, tôi cùng tập với các em để cập nhật những kỹ thuật mới”.
Về kỹ thuật diễn quyền, Huyền Diệu cho biết: “Diễn quyền là trình bày liên hoàn và có hệ thống những kỹ thuật căn bản nên đòi hỏi sự dẻo dai, tấn pháp rõ ràng, giữ vững thăng bằng, dứt khoát từng đòn thế… Khi trình diễn phải thể hiện được thần thái bài quyền qua nét mặt ung dung, sự cương mãnh hoặc mềm mại tùy theo từng kỹ thuật…”.
3. Lớn hơn Huyền Diệu 2 tuổi, Huỳnh Thị Bích Ngọc từng là nhà VĐQG thi quyền lẫn đấu đối kháng trong những năm 1994-1998. Năm 1996, Bích Ngọc đã giành HCĐ giải vô địch châu Á. Giã từ sàn đấu năm 1999, Bích Ngọc lần lượt học Cao đẳng Kinh tế rồi Đại học TDTT. Hiện nay, tuy khá bận rộn với công việc ở Phòng Tài chính (Sở VH-TT-DL TPHCM) và đã có 1 cháu trai 7 tuổi nhưng Bích Ngọc vẫn giữ được niềm đam mê như ngày trước.
Từ cuối năm 2010, mỗi tuần 3 buổi, Bích Ngọc lại khoác võ phục để tập luyện từ 18 giờ đến 20 giờ. Bích Ngọc vui vẻ thổ lộ: “Lúc mới tập lại cũng hơi mệt, vả lại nội dung bài quyền cũng có một số kỹ thuật mới mẻ nên cũng phải mất một thời gian tôi mới bắt kịp. Giờ đây tập xong, tôi thấy khỏe và tinh thần sảng khoái sau một ngày làm việc căng thẳng (cười)…”.
4. Không chỉ những bà mẹ ngoài 30 đi tập lại mà còn có cả VĐV đã lên chức bà ngoại. Theo tuổi ta, Nguyễn Thị Thu Thủy năm nay đã được 50. Tập taekwondo từ lúc mới 6 tuổi, sau thời gian tạm nghỉ, Thu Thủy tham gia huấn luyện từ năm 1980 tại Thủ Đức. Khi Thủ Đức tách thành 2 quận (Thủ Đức và quận 9 năm 1998), Thu Thủy vẫn tiếp tục dạy tại quận 9 đến nay.
Chị có 3 người con (2 gái, 1 trai), trong đó cô gái út Nguyễn Thị Thu Ngân là nhà VĐTG quyền taekwondo năm 2010, con trai Nguyễn Hoàng Long đang là kiếm sĩ của TPHCM. “Đang huấn luyện nên tôi cần phải tập lại để cập nhật và chuẩn hóa các động tác kỹ thuật”, đó là lý do mà từ mấy tháng nay, sau những giờ lên lớp, chị Thủy liền phóng xe đến Trung tâm TDTT Quốc phòng II ôn luyện.
Chị kể lại: “Hồi nhỏ đến giờ tôi chưa thi đấu nên khi tập chung với thầy Bạch Văn Anh ở Trường Đại học Giao thông Vận tải để trình diễn nội dung đôi nam-nữ, tôi rất lo lắng, ngại phụ lòng quý thầy ở Liên đoàn vì 2 VĐV cần phải phối hợp nhịp nhàng. Tuy nhiên, khi sang đến Phnom Penh (Campuchia) thì tôi lại rất bình tĩnh và thi đấu thành công”. Chị Thủy cũng bật mí: “Cháu ngoại tôi là Lê Tuyết Ân, 6 tuổi, đang tập taekwondo với tôi và cũng có năng khiếu về quyền lắm đó!”.
o0o
Không uổng công khổ luyện, tại giải vô địch quyền taekwondo Đông Nam Á vừa qua, Huyền Diệu giành HCV cá nhân nữ, Hiếu Ngân - Bích Ngọc - Quách Phương lên ngôi vô địch đồng đội nữ còn Thu Thủy - Văn Anh chiếm HCV đôi nam-nữ… Đây là những điểm son, nó không chỉ mang lại thành tích cho quốc gia mà còn có ý nghĩa lớn trong việc cổ vũ các HLV taekwondo lớn tuổi tập quyền.
Theo HLV Nguyễn Thanh Huy, giải thi quyền VĐTG lần 1 tổ chức năm 2006 tại Hàn Quốc với 16 bộ huy chương gồm 10 nội dung quyền cá nhân (nam, nữ từ 14-18, 19-30, 31-40, 41-50, trên 51 tuổi) và 6 nội dung quyền đồng đội và đôi nam-nữ (dưới 35 và 36 tuổi trở lên). Năm 2010, WTF tách ra 2 nội dung cá nhân (nam, nữ trên 60 tuổi). Luật thi quyền sẽ thay đổi sau khi thông qua Đại hội WTF vào tháng 5-2011: chia 6 lứa tuổi 14-17, 18-29, 30-39, 40-49, 50-59 và 60 tuổi trở lên; thi đấu loại trực tiếp; thay đổi cách tính điểm và thêm nội dung thi quyền đồng đội 5 VĐV thực hiện bài quyền sáng tạo. Việt Nam từng xếp hạng nhì toàn đoàn năm 2009 và 2010 giải thi quyền VĐTG với những chiếc HCV của Nguyễn Đình Toàn, Lê Trung Anh, Nguyễn Minh Tú, Nguyễn Thị Thu Ngân, Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thị Lệ Kim… |
TRÚC QUỲNH