Nhân ngày 20-10, ngày hội tôn vinh phụ nữ Việt Nam, thầy giáo của con gái tôi đang học lớp 9 ở một quận của TPHCM cũng dành lời chúc mừng đến các nữ sinh của lớp.
Biết rõ nữ sinh lớp này có nhiều em thông minh, học giỏi, nhất là môn Toán của mình, nên thầy cũng dành lời khen ngợi. Tuy nhiên, câu chuyện bị lái sang một hướng khác khi thầy đột ngột khuyên học trò rằng: “Theo thầy các bạn nữ không nên học giỏi quá”. Sau đó thầy mở rộng chủ đề và lạm bàn rộng hơn về bình quyền, về vai trò của phụ nữ thời nay. Cụ thể là phụ nữ không cần học cao, phấn đấu giỏi quá. Nếu thể hiện giỏi hơn đàn ông thường khó lấy chồng. Vì thế, lỡ giỏi thì cũng biết cách kiềm chế, giấu bớt tài…
Xu hướng thế giới văn minh khuyến khích phụ nữ phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực. Ảnh: T.L
Nghe đến đây, các bạn nữ chưng hửng và không hiểu tại sao người thầy mà các em vốn quý trọng, yêu mến vì dạy giỏi, dạy dễ hiểu lại đưa ra lời khuyên lạ lẫm và khó hiểu như vậy. Vì không đồng tình với quan điểm này của thầy, một nữ sinh có cá tính đứng lên hỏi ngược lại: “Thầy ơi, lỡ con gái giỏi hơn nhưng không biết cách giấu bới tài thì làm sao hả thầy?”. Nghe vậy thầy chỉ cười chứ không trả lời cô học trò học giỏi thích phản biện. Kể lại câu chuyện này với người thân, nhiều bạn nữ trong lớp đều bất bình với thầy và bức xúc: “Tại sao thầy lại khơi ra vấn đề thiếu bình đẳng như thế?”. Riêng tôi thì lo sợ sự định hướng của thầy sẽ ảnh hưởng và gieo vào lòng các nam sinh và hình thành suy nghĩ sau này không thích chọn vợ học giỏi, có tài. Và điều này sẽ khiến cho hôn nhân thiếu bình đẳng, vai trò của người phụ nữ trong gia đình bị lép vế - dễ phát sinh mầm mống bất hòa.
Có thể lời khuyên của thầy cũng đúng phần nào vì thầy có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. Nhưng, với các bạn nữ sinh mới 15 tuổi, các em đang nhìn đời bằng ánh mắt màu hồng, tràn đầy niềm tin, ước mơ phải chinh phục đỉnh cao tri thức, phải hội nhập với thế giới và cống hiến cho sự phát triển của nhân loại thì làm sao hiểu nổi điều thầy nói cũng như khuyên bảo ở trên.
Giáo viên - người gieo chữ không chỉ truyền đạt kiến thức, mở mang sự hiểu biết cho học trò mà còn định hướng các em suy nghĩ đúng, có lối sống, quan niệm sống đẹp và nhân văn. Không những thế, để giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân có ích, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cộng đồng, các nữ sinh thời nay cần được khuyến khích phát huy quyền bình đẳng trong học hành, phấn đấu vươn lên thể hiện tài năng, sở trường, năng lực lãnh đạo... Muốn xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững thì chúng ta nâng cao vai trò của phụ nữ, tôn vinh và tạo mọi điều kiện để một nửa thế giới được thụ hưởng nền giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng nuôi dạy, giáo dục con cái phát triển tốt nhất. Bởi lẽ, mỗi tế bào gia đình phát triển lành mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững.
Có lẽ, vì quan niệm “trọng nam khinh nữ” hoặc chỉ muốn phụ nữ khép mình sau cánh cửa bếp, nhiều đàn ông Việt Nam vẫn mang tư tưởng “các bé gái, phụ nữ không nên học nhiều và học quá giỏi”. Đây là tư tưởng cổ hủ và nó đi ngược lại với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, cũng như xu hướng của thế giới văn minh khuyến khích phụ nữ phát huy quyền bình đẳng, phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực để đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của xã hội, cộng đồng.
PHƯƠNG ANH