(SGGP).- Đó là nhận định được nhiều đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm về tình hình thi hành pháp luật và hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại TPHCM do Sở Tư pháp TP tổ chức ngày 23-3.
Minh chứng cụ thể nhất là vụ Công ty CP Thuộc da Hào Dương bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an TPHCM bắt quả tang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền vào tháng 10-2008. Tuy nhiên, do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Công ty Hào Dương không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Điều này khiến người dân bức xúc và nghi ngờ vào hiệu lực thi hành pháp luật.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TPHCM, nêu ra vướng mắc khi xử lý vụ việc này: “Công an TPHCM đã gửi văn bản cho Sở TN-MT TPHCM đề nghị trưng cầu giám định thiệt hại về môi trường. Tuy nhiên, Sở TN-MT TPHCM cho biết, do ban đầu (trước khi Công ty Hào Dương đi vào hoạt động) không có khảo sát đánh giá môi trường sinh thái nên sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng không có số liệu đối chiếu, không thể xác định được mức độ hậu quả thiệt hại về môi trường mà Công ty Hào Dương gây ra.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, nêu một khó khăn khác trong thi hành pháp luật tại lĩnh vực của mình. Theo quy định, nếu đương sự không chấp hành văn bản xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan nào ban hành văn bản ấy sẽ tổ chức cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan không có nhân sự, việc tổ chức cưỡng chế rất khó thực hiện. Đại diện Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc thiếu văn bản hướng dẫn cũng dẫn đến hiệu quả thi hành pháp luật không cao. Chẳng hạn như Luật Khám chữa bệnh đã có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2011 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn, khiến các cơ sở y tế và các bác sĩ gặp lúng túng khi hành nghề…
A.Chân