Nghị định 115 về quyền tự chủ trong khoa học-công nghệ

Còn nhiều ẩn số phải giải

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học-công nghệ (KH-CN) tăng liên tục từ năm 2000, nhưng nước ta vẫn phải nhập khẩu 2,5-3,5 tỷ USD thiết bị công nghệ, trong đó có phần không nhỏ thiết bị có thể chế tạo trong nước!

Giải bài toán phát triển, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Nghị định 115/2005/NĐ-CP: Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập.

Để sớm triển khai nội dung nghị định vào thực tế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là rất cần sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả của các ban, ngành, đơn vị liên quan. Chúng tôi ghi nhận tiếng nói của giới khoa học.

Nghị định (NĐ) 115 đã được hầu hết giới KH-CN xem như một bước tiến bộ lớn về cơ chế hoạt động KH-CN. Với TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM thì, đây là một bước đột phá về sự thay đổi nhận thức của Chính phủ đối với các tổ chức KH-CN công lập. Tháo gỡ những cơ chế còn ràng buộc để tạo điều kiện cho các tổ chức KH-CN chủ động hơn.

  • Thế nào là nghiên cứu cơ bản?

Tuy xem NĐ 115 là một hướng phát triển tích cực, song TS Phan Thị Tươi, Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Bách khoa TPHCM cũng bày tỏ mối băn khoăn: Điều 4 nêu hoạt động của tổ chức KH-CN trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách không phải chuyển đổi; tức là, vẫn tiếp tục hưởng bao cấp về tài chính.

Nhưng, hiện tại có khá nhiều tổ chức KH-CN trong đó vừa có nghiên cứu cơ bản, vừa có nghiên cứu ứng dụng, vậy phải giải quyết tổ chức này ra sao? Phần nào nghiên cứu cơ bản thì không chuyển đổi, còn lại thì phải chuyển đổi? Nếu như vậy thì trong công lập có bán công như trường học hay bệnh viện?

Phân tích sâu hơn, TS Phan Thị Tươi đặt vấn đề: Thế nào là nghiên cứu cơ bản? Làm sao xác định lĩnh vực nghiên cứu cơ bản? Ví dụ: Công nghệ thông tin là cơ bản hay không cơ bản và lĩnh vực nào là cơ bản? Tương tự như thế đối với công nghệ sinh học, công nghệ môi trường…

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Quốc Tế, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM: Hiện nay cả nước có hơn 500 tổ chức KH-CN, trong đó có tới gần 130 tổ chức phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, đấy là chưa kể các tổ chức KH-CN của các bộ được ra đời sau khi có Nghị định 35 (như ở các trường đại học) đang được hưởng một phần ngân sách nhà nước.

Nay, với sự chuyển đổi này ít nhiều gây “tâm tư” trong các tổ chức phải chuyển đổi này. Do đó, cần nhanh chóng có thông tư hướng dẫn kịp thời để các tổ chức này sớm ổn định tổ chức.

  • Biên chế: còn hay mất?

Đất nước chúng ta ở trong cơ chế bao cấp quá lâu, gây một tâm lý trong người lao động: Phải có biên chế nhà nước mới an tâm! Nay với việc chuyển đổi này, băn khoăn trước tiên của hầu hết nhà KH là họ có còn trong biên chế không?

Nội dung này cũng được GS-TS Ngô Văn Lệ, Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV đặt ra: Tổ chức có quyền cho cán bộ NCKH không làm được việc nghỉ không? TS Nguyễn Quốc Tế đề nghị: Đối với người lao động, việc áp dụng NĐ 115 có tác động tâm lý tương tự như khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Họ lại suy nghĩ hình như mình không còn làm việc trong khu vực nhà nước (điều mà họ phấn đấu bao nhiêu năm mới có). Đây là vấn đề lớn của người lao động Việt Nam, đòi hỏi cũng cần được tính đến trong chủ trương và chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt họ là nhà KH cơ hữu, cán bộ nhân viên quản lý.

Ngay cả việc tuyển thêm người từ địa phương khác về cũng còn nhiều vướng mắc. TS Dương Hoa Xô nêu vấn đề: Thực tế còn rất nhiều ràng buộc về mặt biên chế và tuyển dụng viên chức: cụ thể như vấn đề hộ khẩu tại TPHCM đang là một vướng mắc rất lớn trong việc tuyển dụng người của các cơ quan nghiên cứu thuộc TP.

TS Dương Hoa Xô đặt tiếp câu hỏi: Trực tiếp mời chuyên gia, nhà KH nước ngoài vào VN và cử cán bộ đi nước ngoài: đây là vấn đề rất mới – liệu có thực hiện được không? Ví dụ, lâu nay đơn vị cử cán bộ đi nước ngoài phải xin ý kiến cơ quan chủ quản, UBND TP vì có quyết định cho phép đi thì mới được thanh toán chi phí đi lại.

  • Doanh nghiệp KH-CN: vốn đâu?

Theo Điều 4 của NĐ 115, các tổ chức nghiên cứu KH và phát triển CN cũng có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp KH-CN. Tiếp sau NĐ 115, Bộ KH-CN cũng đang soạn dự thảo NĐ về Doanh nghiệp KH-CN, sẽ trình Chính phủ vào tháng 12 này. Theo dự thảo này muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp KH-CN thì tổ chức KH-CN phải thỏa mãn có cơ sở vật chất (nhà xưởng, trang thiết bị…) và tiềm lực tài chính (vốn cố định, vốn lưu động…).

Vấn đề được đặt ra: Các viện KH không có vốn, trong khi đó tài sản của viện đâu thể là vốn sản xuất được! Tại hội thảo Doanh nghiệp KH-CN sáng 8-12 vừa qua, ông Trương Hữu Chí, Giám đốc Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (EMI) đã kiến nghị: Nhà nước nên cấp vốn cho các doanh nghiệp chuyển đổi.

Mặt khác, với các tổ chức được thành lập theo NĐ 35 trước đây trong trường ĐH, nhìn dưới góc cạnh của cơ quan chủ quan các tổ chức loại này, TS Phan Thị Tươi bày tỏ ưu tư: Nếu thực hiện chuyển đổi thành tổ chức KH-CN hay doanh nghiệp KH-CN thì mối quan hệ với các cơ quan chủ quản hiện nay (trường ĐH, viện) như thế nào? Cụ thể: quản lý, cơ sở vật chất, nguồn lực cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy… trong NĐ không nói tới, chỉ nói đến các bộ và cơ quan ngang bộ.

Đã tồn tại NĐ 68 CP về việc thành lập doanh nghiệp trong trường học. Vậy mô hình này và hai mô hình tổ chức KH-CN, doanh nghiệp KH-CN của NĐ 115 có gì khác nhau? Ở mô hình doanh nghiệp trong trường học nói rõ mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản (trường học) và doanh nghiệp, còn NĐ 115 không đề cập đến. Vậy, quá trình chuyển đổi sang tổ chức KH-CN của các trung tâm NCKH   và chuyển giao công nghệ sẽ có vai trò của các cơ quan chủ quản hay không?

NĐ 115, trên lý thuyết sẽ tạo một bước ngoặt lớn về quan điểm và cơ chế chính sách. Nhưng, nếu công tác triển khai không chặt chẽ và đồng bộ sẽ “giết chết” chủ trương đúng. Nếu không, theo lo ngại của nhiều nhà KH: hệ thống các tổ chức KH-CN sẽ bị đảo lộn, vì nhiều nhà KH sẽ chuyển về phía các tổ chức làm ra tiền nhưng hàm lượng chất xám KH chưa chắc đã cao. Và lúc đó nền KH-CN Việt Nam sẽ đi về đâu !?

MAI LAN – PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục