Làm thế nào để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội khi nhà nước triển khai quy hoạch nhưng vừa đảm bảo quyền lợi của người dân? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học - người có rất nhiều công trình nghiên cứu về tiến trình đô thị hóa tại TPHCM, về những vấn đề liên quan.
Một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua là “quy hoạch treo”. Nhiều dự án, đồ án được phê duyệt, thông qua nhưng vì nhiều lý do chậm triển khai hoặc không khả thi dẫn đến “treo” luôn quyền lợi của người dân, gây bức xúc… Tất nhiên trong câu chuyện “quy hoạch treo”, chính quyền cũng bị ảnh hưởng không ít mà rõ nét nhất là uy tín bị sút giảm, nghiêm trọng hơn dẫn đến “đối đầu” với người dân…
* Như vậy, việc xung đột trong quá trình quy hoạch, nhất là “quy hoạch treo” là do quyền lợi của người dân không được đảm bảo hay năng lực của chính quyền còn hạn chế khi làm công tác quy hoạch?
* Có nguyên nhân từ cả 2 phía. Phải nói trong thực tế có khá nhiều đồ án “quy hoạch lấy được”, bất chấp quyền lợi của người dân. Một quyết định hành chính lạnh lùng, một cái khoát tay, một nét vẽ của người có quyền, có thể mang lại hậu quả vô cùng nặng nề cho rất nhiều gia đình và có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới lại có tình trạng tạm cư hàng chục năm ngay trên mảnh đất của mình, nhưng không được làm bất cứ cái gì liên quan đến cư trú (nhà ở) và mưu sinh (canh tác) trên mảnh đất đó. Tôi cho rằng, để “hóa giải” nguồn xung đột này là phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất, của người có đất nằm trong khu vực bị quy hoạch. Không có lý do gì quy hoạch xong rồi để đó chẳng làm gì, lại còn hạn chế quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất như không được cấp phép xây dựng, không được bồi thường, hạn chế chuyển nhượng…
* Hạn chế lớn nhất trong công tác làm quy hoạch hiện nay là gì?
Thêm nữa, khả năng dự báo của các nhà quy hoạch của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng không cao, nhiều nơi rất thấp. Vì thế mới có chuyện mỗi khi gặp sự cố về ô nhiễm (nhà máy điện than, bãi rác quá tải), dân cư phản ứng thì lại cho là không lường hết được, đổ thừa do thiếu năng lực. Người làm quy hoạch phải tính đến tất cả mọi rủi ro xảy ra để có các phương án triệt tiêu và giảm thiểu đến mức nhỏ nhất và dự tính được diễn tiến dự án sau 15 - 20 năm, thậm chí xa hơn nữa. Áp giá đền bù thu hồi đất khi công bố quy hoạch còn trên giấy và giá đất theo thị trường, nhiều năm sau khi đền bù thực tế cho dân lại chênh lệch hàng chục lần, khiến cho dân bất bình là vậy.
* Theo kinh nghiệm của các nước làm tốt công tác quy hoạch trên thế giới, ông có thể chia sẻ trong bối cảnh của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là làm thế nào để “vẹn cả đôi đường” về quyền lợi của người dân cũng như nhiệm vụ của chính quyền để thúc đẩy thành phố phát triển?
* Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch về quy hoạch, kiến trúc, giá đền bù giải tỏa, phương thức tái định cư, những chủ thể tham gia khai thác bất động sản sau khi dự án hoàn thành - nghĩa là trên tất cả phương diện, từ lợi ích được hưởng và đến những rủi ro và thiệt thòi mà người dân sẽ phải gánh chịu. Có một thực tế là lâu nay, đa phần chủ các dự án chỉ biết trao cho dân “cái bánh vẽ”, nhưng thực tế diễn ra thì phũ phàng hơn nhiều, cho nên mới làm nảy sinh chuyện kiện tụng kéo dài. Thêm nữa là phải thực lòng tham khảo ý kiến của người dân và giới chuyên gia như các nước phát triển đã làm. Tôn trọng việc đánh giá dự án, phản biện khoa học nhằm giảm thiểu những xung đột không đáng có. Trong dân cũng có rất nhiều người giỏi, họ có khả năng chỉ ra cho các nhà quy hoạch những điều hay, cái dở của dự án.
Bao trùm lên tất cả là đến lúc Hiến pháp phải công nhận quyền tư hữu đất đai của người dân là quyền thiêng liêng và quy luật của kinh tế thị trường. Chỉ khi ấy người dân mới có quyền định đoạt đất đai của mình và việc quy hoạch phải dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi; khi đó, những khái niệm “áp giá”, “thu hồi” không tồn tại nữa. Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân muốn có đất thì phải đàm phán với dân một cách sòng phẳng, minh bạch. Thị trường bất động sản ở các nước phát triển không bị méo mó bởi đã dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân về đất đai.
TPHCM KIẾN NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG MỘT CỬA LIÊN THÔNG ĐIỆN TỬ UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng cho phép áp dụng chính thức quy trình một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tại TPHCM; đồng thời, chấp thuận việc phân cấp cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công và cấp GPXD. TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng chấp thuận việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp GPXD theo hướng giảm từ 3 thủ tục (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng - thiết kế bản vẽ thi công và cấp GPXD) xuống còn 1 thủ tục là cấp GPXD. Theo UBND TPHCM, việc thí điểm thực hiện cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp GPXD thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng TPHCM trong thời gian qua là khả thi, đem lại tính tiện ích cao cho doanh nghiệp. Cụ thể, chủ đầu tư được nộp hồ sơ cùng lúc 3 thủ tục: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng - thiết kế bản vẽ thi công triển khai sau thiết kế cơ sở và cấp GPXD; rút ngắn thời gian nhận kết quả giải quyết của cả 3 thủ tục trên từ 122 ngày xuống còn 42 ngày, do các thủ tục được giải quyết tại một cơ quan nhà nước. Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện tỷ lệ hồ sơ cấp GPXD theo quy trình liên thông chiếm 31,1% (97/312 hồ sơ), chiếm 1/3 tổng số hồ sơ xin cấp GPXD tại Sở Xây dựng. Qua khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với quy trình, cho thấy người dân, doanh nghiệp đánh giá cao kết quả tích cực về cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian cấp GPXD. MINH HUY |