Con nuôi xứ Hàn

Người dân Hàn Quốc tự hào về nền kinh tế tăng trưởng nhanh, là 1 trong 4 “con rồng châu Á”. Nhưng Chính phủ Hàn Quốc lại cảm thấy không vui khi đến nay quốc gia này vẫn còn là một trong những nước “xuất khẩu con nuôi” nhiều nhất thế giới. Riêng trong năm 2010, dù tỷ lệ sinh đã tụt dốc nhưng Hàn Quốc vẫn “xuất khẩu” được 1.013 trẻ ra hải ngoại.

Người dân Hàn Quốc tự hào về nền kinh tế tăng trưởng nhanh, là 1 trong 4 “con rồng châu Á”. Nhưng Chính phủ Hàn Quốc lại cảm thấy không vui khi đến nay quốc gia này vẫn còn là một trong những nước “xuất khẩu con nuôi” nhiều nhất thế giới. Riêng trong năm 2010, dù tỷ lệ sinh đã tụt dốc nhưng Hàn Quốc vẫn “xuất khẩu” được 1.013 trẻ ra hải ngoại.

Trong quá khứ, chiến tranh là nguyên nhân chính dẫn đến việc “quốc tế hóa” con nuôi xứ Hàn. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã biến nhiều trẻ em thành mồ côi hoặc làm sản sinh số con lai giữa binh sĩ Mỹ hay đồng minh phương Tây với phụ nữ Hàn Quốc. Đến năm 1955, với sự cho phép đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc, lần đầu tiên cặp vợ chồng người Mỹ Bertha và Harry đã nhận 8 trẻ em mồ côi vì chiến tranh.

Từ sự kiện này, con nuôi Hàn Quốc bắt đầu có mặt ở các nước phương Tây mà đặc biệt là Mỹ. Trong những năm 1980, lượng trẻ mồ côi đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, khiến Chính phủ Hàn Quốc phải mất 15 – 20 triệu USD mỗi năm (con số đáng kể vào thời điểm ấy) để chăm sóc.

Theo báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ, con nuôi người Hàn Quốc chiếm số lượng đông nhất tại nước này. Theo đó, từ giữa tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, có 734 trẻ em Hàn Quốc đã được nhận nuôi tại Mỹ, trong khi chỉ có 216 trẻ được nhận nuôi đến từ Philippines và 168 trẻ đến từ Ấn Độ.

Tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng tư tưởng truyền thống của Hàn Quốc vẫn đặt nặng mối quan hệ máu mủ và dòng máu thuần chủng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến con lai hoặc trẻ không có cha gần như không được người dân trong nước nhận nuôi. Bên cạnh đó, các thủ tục nhận con nuôi quốc tế ngày càng phổ biến, cộng với việc các cặp vợ chồng phương Tây trở nên thoáng hơn với con nuôi ngoại quốc, đã góp phần tăng số con nuôi Hàn Quốc ở nước ngoài. Thậm chí, nhiều người còn hoài nghi rằng, các cơ quan cho và nhận con nuôi Hàn Quốc đã thiết lập một hệ thống đưa con nuôi ra nước ngoài để nhận nguồn kinh phí nuôi dưỡng các trẻ em khác.

Ngoài ra, xã hội Hàn Quốc vẫn có cái nhìn kỳ thị đối với các bà mẹ đơn thân. Các bà mẹ đơn thân bị xã hội lên án gay gắt, bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, thậm chí bị công ty sa thải. Nhiều người không chịu nổi áp lực đã buộc phải chọn cách phá thai hoặc chỉ còn lựa chọn là trao con cho người khác nhận nuôi. Hiện ở Hàn Quốc chỉ có ngôi nhà chung duy nhất có tên Heater do Hiệp hội các bà mẹ và gia đình đơn thân Hàn Quốc (KUMFA) xây dựng. Trong nhiều năm qua, họ đã cung cấp nơi ở an toàn, thức ăn miễn phí hay khoản trợ cấp nhỏ cho nhiều phụ nữ sắp “vượt cạn” một mình.

Để xóa bỏ nỗi xấu hổ quốc gia này, các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc cho rằng cần phải gầy dựng cả một hệ tư tưởng mới để thay đổi thái độ của người dân, khiến mọi người nhận thức sâu sắc hơn giá trị nhân văn của gia đình đối với trẻ em. Họ cũng đề cao việc tuyên truyền giáo dục giới tính để giới thanh niên hiểu rõ các biện pháp tránh thai. Đồng thời, các bà mẹ đơn thân phải được bảo vệ để họ có thể yên tâm nuôi dạy con cái. Nói như những gì được ghi trong Công ước quốc tế Hague về việc nhận con nuôi: “Thừa nhận những đứa trẻ này… để chúng được lớn lên trong gia đình, trong bầu không khí yêu thương, hạnh phúc và hòa thuận”.

Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục