Sau nhiều lần bổ túc hồ sơ, cuối cùng cũng được cán bộ đon đả nhận. Tính thời điểm nhận ấy với ngày trả theo giấy hẹn thì ngày ký duyệt hồ sơ sớm hơn vài ngày. Thế là hài lòng. Hài lòng vì đã hoàn thành hồ sơ, không còn bị đi lại nữa… Đó là lời tâm sự của không ít người dân ở một nơi có kết quả trả hồ sơ đúng hẹn đạt 100% và tỷ lệ hài lòng đạt 100%...
Hài lòng cao nhờ khảo sát ít
Sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng công bố của lãnh đạo Sở Xây dựng “không còn tình trạng ngâm hồ sơ”, một bạn đọc là cán bộ của Sở Du lịch, nhà ở quận 5 gọi điện thoại than phiền, giấy xin phép xây dựng công trình của gia đình bà cả năm trời chưa xong vậy mà sao cán bộ dám nói thế.

Ngay hồ sơ hóa giá nhà sở hữu nhà nước của ông Đức, chuyên viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính cũng thế. Ông cho biết, thời hạn giải quyết hồ sơ là… vô thời hạn. Cứ lên nộp hồ sơ, được cán bộ xin số điện thoại và… cứ thế mà chờ! Xong một công đoạn là cán bộ gọi lên, mỗi lần lên như thế là chờ cả buổi để được hướng dẫn chỉ vài câu.
Chẳng hạn, lên để lấy giấy nộp thuế, lại phải chờ để lấy phiếu chuyển để mang qua cơ quan thuế xin giấy báo tính thuế. Có giấy tính thuế rồi lại phải cầm về công ty bán nhà để chờ cán bộ đưa giấy, rồi lại mang qua Kho bạc Nhà nước đóng tiền.
Xong nghĩa vụ, giấy tờ nhà gần như hoàn thành nhưng còn vài tháng tiền thuê nhà đóng dư, muốn được cơ quan thanh toán lại, cán bộ bắt phải làm đơn và… hẹn, khi nào có sẽ gọi lên lấy. Nhưng rồi một tuần, hai tuần trôi qua vẫn không thấy gọi, anh lại lên hỏi thì biết hồ sơ còn nằm ở phòng… sếp.
Ấy thế mà con số kết quả khảo sát ở Sở Xây dựng khiến không ít người phải “ngưỡng mộ”: hồ sơ cấp chứng nhận nhà, đất đã giải quyết được 285/285 hồ sơ, tỷ lệ đúng hẹn 100%, tỷ lệ hài lòng 100%; hồ sơ cấp phép xây dựng, đã giải quyết được 235/349 hồ sơ, đạt tỷ lệ 67% nhưng tỷ lệ hài lòng vẫn… 100%. Ngay hồ sơ quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, sở đã giải quyết được 3.565/4.791 hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn đạt 74% nhưng tỷ lệ hài lòng cũng… 100%.
Ngoài ra, nhiều quận, huyện khác có con số hài lòng cũng rất tròn trịa như quận 8 đạt 93%, Phú Nhuận 97%, Hóc Môn 98%, Tân Phú 94%, Thủ Đức 95%... Ở các sở, có Sở Nội vụ đạt 100%.
Vì sao?
Tại quận 1, đơn vị được đánh giá là có nhiều tiến bộ trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Theo một lãnh đạo quận, trước đây, cứ sơ kết, tổng kết là nghe báo cáo tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 90% - 100%. Trong khi, thực tế, không ít người vẫn còn kêu ca, “mòn dép” với hồ sơ thủ tục.
Bởi vì, nếu căn cứ vào thời điểm chính thức tiếp nhận hồ sơ đến thời điểm trả hồ sơ thì đúng hạn, thậm chí trước hạn. đó là nhờ sau nhiều lần bắt dân bổ sung, cán bộ lại tính thời điểm hẹn kể từ lần bổ sung sau cùng! Vì thế mới có chuyện dân phải đi lại nhiều lần nhưng kết quả là con “số đẹp” về tỷ lệ đúng hẹn.
Vì thế, quận 1 quy định cán bộ tiếp nhận hồ sơ không được hướng dẫn thêm mà chỉ có lãnh đạo phòng chuyên ngành mới được quyền yêu cầu dân bổ túc hồ sơ 1 lần. Quận còn thành lập bộ phận trợ giúp thủ tục hành chính miễn phí cho dân để dân khỏi phải đi lại nhiều lần. Dù thế, nhưng đến nay, tỷ lệ hài lòng ở quận 1 cũng chưa đạt 100%.
Hiện nay, không ít lãnh đạo các quận không muốn báo cáo kết quả khảo sát tỷ lệ hài lòng vì cho rằng đó là hình thức. Một cán bộ nói thẳng, tại sao cứ nghe những con số đẹp mà không kiểm tra xem có mấy phiếu khảo sát, khảo sát ai, nội dung khảo sát là gì. Còn nếu không kiểm tra được thì sự thật về con số đó như thế nào chỉ có… “trời” mới biết!
Thử nhìn lại cách khảo sát ở Sở Xây dựng, để có được con số 100% hài lòng ở lĩnh vực cấp phép xây dựng, sở đã khảo sát được 11 phiếu, còn ở lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nhà đất thì chỉ phát được 7 phiếu. Hay như con số của Sở Bưu chính - Viễn thông cũng là kết quả của 5 phiếu khảo sát (trong khi sở đã giải quyết được gần 12.000 hồ sơ), Sở Tài Nguyên - Môi trường cũng thế, phát ra chỉ 35 phiếu khảo sát (trong khi thụ lý gần 2.500 hồ sơ)…
Nếu so sách tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn và tỷ lệ hài lòng của người dân thì sẽ thấy sự khập khễnh. Nếu so con số hồ sơ tồn (hầu hết là trễ hẹn) với số tỷ lệ không hài lòng thì chắc số hồ sơ tồn cao hơn nhiều. Vì số phiếu phát ra có nơi chiếm chưa đầy 1%, có nơi chỉ chiếm vài phần trăm, đã nâng tỷ lệ hài lòng lên gần “đụng trần”. Từ đó có thể đặt vấn đề: kết quả khảo sát kia có phản ánh đúng thực chất hay chỉ là con số của căn bệnh… hình thức?
NHẬT MINH