Còn sức thì còn làm…

Còn sức thì còn làm…

Đó là bà Đào Thị Hồng Vân (80 tuổi), ngụ khu phố 3, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM). Người dân phường Phú Thạnh vẫn quen gọi bà kính trọng, thân mật là “má Mười”.

Gần 30 năm qua, bà Mười tình nguyện là “sứ giả hòa bình” của nhiều gia đình trong phường Phú Thạnh, giúp nhiều phụ nữ thoát khỏi cảnh bị chồng thường xuyên bạo hành. Cũng ngần ấy năm, ngôi nhà nhỏ của bà trở thành địa chỉ tin cậy, nơi tạm lánh cho những “vị khách không mời” - nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình.

Còn sức thì còn làm… ảnh 1

Má Mười (bìa phải) cùng Hội Phụ nữ phường Phú Thạnh triển khai mô hình nhà tạm lánh. Ảnh: T. HỢP

Bà Mười nhớ lại: Trong lần đầu vào vai “sứ giả” hòa giải cho một cặp vợ chồng, bà đã bị anh chồng dùng những lời nặng nhẹ mắng “phủ đầu”, cho rằng bà không có quyền xen vào chuyện riêng của gia đình họ. Mới nghe, bà tự ái định bỏ về, nhưng nhìn cô vợ đang thút thít khóc với một bên má thâm tím, ánh mắt cầu cứu, bà phải ở lại và mở lời khuyên giải… Và trong lần đầu ấy, bà đã thành công. “Sáng hôm sau nhìn thấy anh chồng chở vợ đi mua thuốc xức, vợ chồng vui vẻ hòa thuận, má mừng lắm” - bà kể.

Mới cách đây 2 năm, lúc bà đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì một đứa trẻ chạy lại ôm tay bà, khóc và hối hả thúc: “Dì qua nhà con ngay đi, má con đang giết ba”. Theo chân đứa trẻ qua nhà, bà giật thót người khi thấy cô vợ đang túm cổ áo chồng, tay cầm dao, miệng không ngừng chửi thề… Không nhẹ nhàng như những trường hợp khác, lần này bà Mười lại xẵng giọng, thách thức: “Thím giỏi thì đâm chú ấy đi, tôi sẽ là người làm chứng…”.

Người phụ nữ không nói gì mà ném con dao xuống đất rồi lặng lẽ bỏ ra ngoài. Hiểu được nguyên nhân, bà Mười ân cần nói chuyện với từng người. Gần 1 tháng sau, lại lần nữa họ gây gổ. Khi bà Mười qua nhà thì thấy trước sân nhà đặt một cái quan tài, tiếng người vợ la lớn, tay cầm bật lửa đòi… đốt nhà. Bà Mười nhìn chăm chăm vào chiếc bật lửa trên tay người vợ rồi chỉ tay về phía hai đứa con đang ôm nhau khóc nức nở: “Thím đốt nhà rồi các con thím sẽ ở đâu, sống như thế nào?”… Chị vợ buông hộp quẹt, khóc… Đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng họ to tiếng với nhau, sau khi đã bình tĩnh tiếp chuyện và nghe lời bà phân tích thiệt hơn.

Mới đây, quận Tân Phú triển khai mô hình nhà tạm lánh, ra mắt “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” - một mô hình hoạt động đầu tiên ở TPHCM, với gần chục chị em tham gia để “giúp má Mười một tay”. Ngôi nhà bà là “trụ sở” hoạt động chính.

Hỏi bí quyết trong những lần hòa giải, bà Mười nhẹ nhàng: “Khi tiếp xúc với họ, má không đao to búa lớn hay lên giọng dạy đời mà chỉ tâm sự, trò chuyện chân thành như một người mẹ, người chị trong gia đình, phân tích lời hay, lẽ phải… Điều quan trọng là phải biết rõ nội tình, nắm được tâm lý, tính cách của đôi bên. Trường hợp nào quá phức tạp thì tôi liên hệ hội phụ nữ, phối hợp công an phường can thiệp, cùng giải quyết…”.

Người ta còn quen gọi bà Mười là “người của công chúng”, người “vác tù và hàng tổng”, bởi hầu như không một tổ chức đoàn thể nào từ phường, khu phố đến tổ dân phố chịu bỏ sót tên bà trong danh sách BCH như: Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, CLB Ông bà cháu, Hội mẹ, Hội chữ thập đỏ… Bà cười, bảo: “còn sức thì còn làm, tham gia công việc đoàn thể má thấy khỏe ra!”. 

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục