Con trai liệt sĩ Trần Thị Anh mong có được căn nhà tình nghĩa

Con trai liệt sĩ Trần Thị Anh mong có được căn nhà tình nghĩa

Ngày 13-6-1960, bà Trần Thị Anh, người chỉ huy cuộc đấu tranh trực diện đòi dân sinh, dân chủ tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre đã bị bắn chết khi xông lên trước họng súng đàn áp của tên quan Một, trưởng đồn.

Trước lúc ngã xuống, bà còn vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến tới và hô to: “Chị em hãy xông lên!”. Cuộc đấu tranh không dừng lại, khí thế dân ta càng sôi sục, tiếp tục xông lên. Bọn địch dùng súng Tromlong bắn chết và làm bị thương thêm nhiều người nữa và điều xe nồi đồng, sẵn sàng bắn xả đoàn người đấu tranh. Trước sự thẳng tay đàn áp của địch, ban chỉ huy cuộc đấu tranh chỉ đạo rút lui để bảo tồn lực lượng.

Anh Tư Cường, Huyện ủy viên, lãnh đạo cuộc đấu tranh nhận định: “Mặc dù cuộc đấu tranh thất bại nhưng tinh thần dũng cảm, không khuất phục trước kẻ thù của quân dân ta đã làm cho địch nao núng. Đặc biệt, sự hy sinh anh dũng của chị Trần Thị Anh là một tấm gương sáng cho chúng ta. Đau thương nhất là chị hy sinh khi con chị còn quá nhỏ”.

Anh Nguyễn Văn Tiến và chị gái Nguyễn Thị Đấu trước ngôi nhà thờ bà Trần Thị Anh

Anh Nguyễn Văn Tiến và chị gái Nguyễn Thị Đấu trước ngôi nhà thờ bà Trần Thị Anh

Khi bà Trần Thị Anh hy sinh, anh Nguyễn Văn Tiến, con trai nhỏ của bà còn chưa dứt sữa. Con gái lớn của bà, chị Nguyễn Thị Đấu mới lên 7. Mẹ hy sinh, cha lấy vợ khác, hai chị em phải làm thuê, làm mướn tự kiếm sống. Chị Đấu kể: “Cuộc sống chị em tôi những năm qua cơ cực đủ điều. Nhiều khi nhìn thấy cảnh mẹ con người ta âu yếm nhau, hai chị em tôi lại rơi nước mắt...”.

Đến thăm nhà anh Tiến ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre càng xót xa hơn. Cuộc sống gia đình khó khăn, trong căn nhà nền đất, vách lá dột nát, xiêu vẹo, anh Tiến không ngăn được nước mắt khi nhắc đến mẹ. Anh nói, anh chỉ mong có được căn nhà đàng hoàng để thờ mẹ mình, một nữ chiến sĩ tóc dài đã anh dũng ngã xuống trong phong trào Đồng khởi. Chúng tôi mong sẽ có một ngày ước mơ của anh thành sự thật, vì trong xã hội ta ngày nay không thiếu những tấm lòng luôn hướng về cội nguồn và muốn được thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa.

TRẦM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục