Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là thắng Bangladesh. Một đối thủ mà ban huấn luyện xem đấy như trận chung kết của riêng chúng ta và HLV Riedl đặt yêu cầu “phải thắng!”.

Thủ môn Vĩnh Lợi đón hụt bóng, dẫn đến bàn thua thứ 2 của Olympic Việt Nam trước Hàn Quốc. Ảnh: Quang Thắng.
Thông tin từ Doha cho biết, 15 phút trước buổi tập phục hồi thể lực chiều qua trên sân Al-Arabi, HLV Alfred Riedl đã dặn dò các học trò rất kỹ chỉ tiêu buộc phải thắng trong trận chung kết của riêng chúng ta.
Cái thua 0-2 trước Hàn Quốc là một thành công vượt ngoài ý muốn không phải vì tỷ số được rút ngắn so với Asian Games 13 (1998) tại Nakhon Sawan (do chính ông Riedl dẫn dắt thế hệ vàng thi đấu với Hàn Quốc và thua 0-4) mà cái chính là thành công về lối chơi và về tinh thần.
Một cuộc chống trả kiên cường của đội bóng “kèo dưới” và ít nhiều đã buộc các cầu thủ Hàn Quốc phải gồng lên để tìm bàn thắng. Nó không còn là một chiến thắng dễ dàng của đại biểu lớn ở châu Á, cho dù Hàn Quốc cầm bóng nhiều hơn và số lần sút cầu môn cao hơn rất nhiều.
Điểm đáng khen là sức đề kháng của các cầu thủ Việt Nam khi thoát ra được tư tưởng co cụm phòng ngự mà ngược lại, luôn buộc “kèo trên” phải cảnh giác bằng bài phản công vượt tuyến mạnh mẽ chứ không theo kiểu phá bóng mạnh lên tuyến trên.
Tiếc cho bàn thua ở những phút bù giờ do thiếu cảnh giác và một lần nữa lại do nút chặn cuối Tô Vĩnh Lợi (chơi thật hay trong suốt thời gian trước đó nhưng lại đón hụt quả phạt treo bổng vào), nhưng bấy nhiêu không thể phủ nhận tất cả những gì mà các tuyển thủ đã thể hiện được.
Nói về trận thua trên, HLV Riedl thú nhận: “Tôi trang bị cho các cầu thủ một tâm lý ổn định và chỉ còn biết chơi vượt tuyến để hàng công đua tốc độ săn bàn”. Dám đua tốc độ và dám đá phản công vượt tuyến với Hàn Quốc đã là một thành công không nhỏ bởi nó xóa đi những mặc cảm và tự ti của các cầu thủ chúng ta khi bơi ra biển lớn.
Đêm mai, ông Riedl muốn các học trò của mình mang cái tinh thần và sức chiến đấu mạnh mẽ như đã từng chiến đấu với Bahrain và Hàn Quốc để làm nên một chiến thắng trước Bangladesh (đối thủ vừa thua đậm Bahrain 1-5).
Hoàn toàn có thể được, bởi Bangladesh vốn không mạnh và đặt từng vị trí lên bàn cân đối thủ này cũng không hơn được Việt Nam. Đấy là chưa kể yếu tố tinh thần mà Việt Nam duy trì được từ đầu giải đến giờ, trong khi Bangladesh thì không.
Một chút khó khăn cho trận “chung kết” ấy là các học trò ông Riedl sẽ phải chơi với một tư tưởng khác. Nó không còn là “kèo dưới” đá với “kèo trên” mà là một trận chiến thực sự giữa hai đối thủ ngang tầm. Điều này có nghĩa thầy trò ông Riedl buộc phải tính đến phương án tấn công để tìm chiến thắng thay vì thói quen đá phản công và luôn phải cố sức, phải rướn.
Một trận “chung kết” của riêng bóng đá Việt Nam và cũng là trận đấu trước khi chia tay Asian Games 15 trong thế ngẩng cao đầu.
NGUYỄN NGUYÊN