Còn ''vận dụng'', còn oan sai

Trao quyết định đình chỉ vụ án cho ông Nguyễn Văn Tấn

“Anh xem trong vụ này có thể vận dụng pháp luật giúp tôi được không?” - Đó là câu cửa miệng của những người hiểu biết pháp luật. Câu hỏi đặt ra là tại sao ngôn ngữ pháp luật là ngôn ngữ một nghĩa, chính xác lại không áp dụng, mà có thể vận dụng điều luật theo cách của mình được?! Hai vụ án ông bán phở chậm đăng ký kinh doanh và vụ người dựng chòi muôi vịt bị khởi tố hình sự chính là câu trả lời…

Cụ thể, với tội “Kinh doanh trái phép” theo Điều 159 Bộ luật Hình sự có khái niệm “giấy phép riêng”, trong khi các văn bản dưới luật không hề có hướng dẫn giấy phép riêng là giấy nào. Do không có hướng dẫn cụ thể về giấy phép con, nguyên tắc là dẫn chiếu sang luật chuyên ngành. Thế nhưng, dẫn chiếu thế nào khi Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư cũng không có hướng dẫn.

Dù người phát ngôn Bộ KHĐT cho rằng giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không phải là giấy phép con mà chỉ là điều kiện kinh doanh, nhưng Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, phát ngôn đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi trước đây, nhiều vụ án đã dùng văn bản giải thích của cơ quan chuyên môn làm cơ sở pháp lý. Điều đó cho thấy, trong quá trình thực thi, người thừa hành công lý có quyền vận dụng cái gì theo ý chí chủ quan của mình. Mặc dù luật có quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, nếu không rõ ràng thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho người dân, nhưng cũng không được ngành công an áp dụng, một khi người thực thi gắn cái “cá nhân” của mình vào vụ án.

Ngoài ra, trong vụ ông Tấn, cơ quan công an vẫn khẳng định, giấy ATVSTP là “giấy phép riêng” để áp dụng xử lý hình sự. Như vậy, có nghĩa là tất cả các giấy tương tự như giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận môi trường… đều là giấy phép con. Mà người kinh doanh có địa điểm kinh doanh buộc phải có giấy này. Việc giải thích này khiến cho dư luận hoang mang, vì nếu như vậy thì ngay cả người bán cà phê có sử dụng nước đá cũng phải có giấy chứng nhận ATVSTP. Có nghĩa 3,6 triệu hộ kinh doanh cá thể trong cả nước có nguy cơ phạm tội - đó là chưa kể đơn vị kinh doanh lớn hơn là doanh nghiệp. Do vậy, nói như TS Lê Mạnh Hà, Phó Chánh văn phòng Chính phủ “Chủ quán cà phê mà thua, mọi doanh nghiệp có thể đi tù”.

Rồi ở vụ án ông Nguyễn Văn Bỉ (ở huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng không được đồng tình khi ông dựng chòi nuôi vịt lại bị khởi tố hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”. Ở vụ này, người thực thi cũng vận dụng đưa “chòi” thành “nhà” để xử lý hình sự, trong khi đó biệt thự không phép ở Quảng Nam, Tòa nhà vượt tầng 8B Lê Trực (Hà Nội) không bị xử lý. Chính sự “chung chung” này là khoảng trống để người thực thi pháp luật vận dụng theo ý chí chủ quan của mình. Và như vậy người dân nào cũng có nguy cơ phạm tội, rồi người thực thi muốn xử ai thì xử, kiểu ai xui thì chịu!

Hiện nay, còn rất nhiều điều luật mang tính “định tính”, không được hướng dẫn cụ thể, nên người thực thi có quyền vận dụng, suy diễn dẫn đến nguy cơ ai cũng có thể trở thành tội phạm. Nói cách khác, khi luật còn khoảng trống để “vận dụng” thì chắc chắn sẽ còn oan sai!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục