Còn xa lắm Hiệp định Paris

Theo lịch trình, hôm nay 28-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký pháp lệnh hủy bỏ kế hoạch hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy điện chạy bằng than được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Đây là một trong những bước đi nhằm mang lại việc làm cho người Mỹ, trước mắt là trong ngành than, như vị tổng thống thứ 45 của Mỹ từng cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử. Ngay khi có tin ông D. Trump đắc cử, cổ phiếu của các công ty than đá và dầu lửa tăng vọt. Trong một bài phát biểu tại bang North Dakota về chính sách năng lượng vào tháng 5-2016, ông D. Trump cho biết sẽ hủy bỏ các quy tắc khí hậu khắc nghiệt, các cam kết tại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 và rút tài trợ cho các chương trình khí hậu liên quan của Liên hiệp quốc (LHQ). Ông tuyên bố không ủng hộ năng lượng tái sinh, ưu tiên sử dụng than đá và khí đốt hơn là năng lượng Mặt trời và năng lượng gió. Ông bác bỏ sự tồn tại của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, sau khi ký pháp lệnh trên, ông D. Trump có thể thúc đẩy các khoản trợ cấp cho ngành than của Quốc hội thông qua hình thức chi trực tiếp, các khoản vay lãi suất thấp và vay không hoàn lại, giảm hoặc miễn thuế, giảm phí quyền sử dụng đất khi khai thác trên đất liên bang. Hồi đầu tháng này, ngân sách liên bang theo đề xuất của ông D. Trump vừa công bố cũng đã cho thấy trước sự kết thúc tài trợ đối với Kế hoạch Năng lượng sạch cùng với các chương trình chống biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Obama. Ông D. Trump cũng nhiều lần đối đầu với Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), một công cụ liên bang của quốc gia nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tại hội nghị bàn tròn diễn ra vào tháng 2 ở bang Florida, ông D.Trump tuyên bố sẽ giảm bớt 70%-80% quy định của EPA.

Theo ông D. Trump, chính những quy định về bảo vệ môi trường làm mất đi công ăn việc làm của người Mỹ trong hàng chục năm nay. Ông chủ trương quay trở lại loại nhiên liệu truyền thống và giảm đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời vì cho rằng đây là một hình thức năng lượng rất tốn kém. Tuy nhiên, theo Alertnet.org, thực tế là một số khu vực ở Mỹ, như bang Texas và đặc biệt là bang Iowa, đã tạo ra sản lượng lớn điện gió và tại đây điện gió còn rẻ năng lượng hóa thạch hay năng lượng khí thiên nhiên. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 209.000 công nhân Mỹ tham gia vào các công việc liên quan đến năng lượng mặt trời tại hơn 8.000 công ty. Nhiều hơn gấp đôi số lượng lao động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời vào năm 2010. Đến năm 2020, số lượng lao động tham gia vào ngành năng lượng mặt trời dự kiến ​​sẽ tăng hơn gấp đôi, với 420.000 người Mỹ làm việc trong ngành này.

Mỹ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Vấn đề là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định không ràng buộc pháp lý; cũng không có hình phạt nào cho các quốc gia không đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải đã cam kết. Chính vì vậy, một lần nữa các cường quốc xả khí thải nhiều nhất thế giới vẫn không giữ được cam kết của mình. Mục tiêu giữ nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng tối đa lên 2°C nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu càng khó đạt được.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục