“Con yêu, nhật ký Đặng Thùy Trâm cần cho cả mẹ và con”

“Con yêu, nhật ký Đặng Thùy Trâm cần cho cả mẹ và con”

Thế hệ con trai tôi-thế hệ 8X đang trưởng thành, tuy không biết và cảm nhận mùi vị của chiến tranh cũng cần để thấy mình may mắn sống trong hòa bình, cần sống tốt, có trách nhiệm hơn với chính cuộc sống của chúng.

“Con yêu, nhật ký Đặng Thùy Trâm cần cho cả mẹ và con” ảnh 1

Thanh niên tình nguyện lên đường tham gia chiến dịch mùa hè xanh 2005.

Thật tình, khi nhiều người đã đọc Đặng Thùy Trâm và dấy lên dư luận mạnh mẽ về cuốn nhật ký này trên Báo Tuổi Trẻ và một số tờ báo khác thì tôi vẫn không đọc phần trích đoạn, chỉ đọc những bài bình luận để hiểu sự kiện. Tôi không thích nghe về chiến tranh.

Và rồi, bằng một cách bất ngờ, vơ cuốn sách này trong tay của một người bạn về nhà, gần như tôi đọc suốt đêm. Vừa đọc, mắt tôi cứ rưng rưng, cố kìm nén mà mũi cay xè. Tôi thèm được khóc thật to lên như ngày nào còn bé thơ để những gì nặng trĩu trong lồng ngực tôi được thoát ra. Tôi cũng không kìm được, dù rất khuya, vẫn nhắn tin cho mấy người bạn cùng chia xẻ cảm xúc của mình.

Hơn 30 năm qua, những gì diễn ra trong cuốn nhật ký vẫn như vừa phảng phất đâu đây, nóng bỏng, nghẹt thở, đặc quánh mùi thuốc súng và mùi ete của bệnh viện. Bởi thấp thoáng đâu đó trong cuốn nhật ký là tuổi trẻ của chúng tôi, là cuộc sống của một thời mà mọi việc ăn- học- ngủ- nghỉ chỉ để hướng đến tương lai vừa đủ tuổi chúng tôi lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Chúng tôi hiểu và chia xẻ với những gì chị Trâm đã sống và trải qua.

Con trai bé bỏng của tôi cũng đã 18 tuổi. Còn lớn hơn tuổi của chúng tôi khi vào thời điểm chị Trâm hy sinh. Chúng trưởng thành mà không biết gì về chiến tranh, tuổi 18 (thế hệ được gọi 8X) mà vẫn chỉ thích đọc truyện tranh chứ không đọc được tiểu thuyết. Nhưng chúng nó hơn chúng tôi là lướt mạng nhanh, chơi games giỏi, thậm chí có lúc còn Hack (chôm) đồ của bạn khi luyện nâng level lâu quá mà không tăng điểm. Nhưng tôi vẫn muốn cho con nghe một số đoạn trong nhật ký của chị Trâm, muốn đọc thật to nhưng giọng cứ nghẹn lại. Tôi muốn giải thích cho con hiểu được những điều mà chị Thùy Trâm đã viết trong nhật ký, bởi vì con tôi phải hiểu được, chiến thắng chỉ chậm vài năm thôi là chính chúng tôi cũng sẽ trải qua cuộc sống gian khổ như chị Trâm vậy. Và may mắn thay, cháu cũng hiểu và chia xẻ cùng tôi.

8X của tôi cũng tham gia bình luận những điều chị Trâm day dứt, khổ sở vì đất nước đang chiến tranh, hiểu được cái chết và cái sống liền kề, hiểu được tâm hồn trong sáng của những người lính và tình yêu chung thủy. Cái nhìn trong trẻo của chị Trâm với bệnh nhân, với đồng nghiệp; sự gay gắt với một số người đang chọn con đường tắt để trở về nhà; sự day dứt nhưng lại thủy chung với mối tình tan vỡ.

Cả việc chật vật để phấn đấu vào Đảng, tôi nhớ chị trân trọng coi Đảng như người mẹ hiền, nhưng vẫn trách cứ sao với chị, Đảng lại cư xử như một bà mẹ ghẻ. Chúng tôi cũng đã từng một thời trách móc như thế, khi mà sau cả chục năm chiến thắng, việc phấn đấu vào Đảng của chúng tôi cũng gập ghềnh như vậy. Con trai tôi hiểu và chia xẻ với những tư liệu trong cuốn nhật ký, có những người hôm trước còn ngồi với nhau, hôm sau đã là cái xác không hồn chôn sâu trong lòng đất. Chiến tranh là vậy. Thùy Trâm đau đớn vì mất mát đồng đội, đồng bào. Nỗi đau ấy còn kéo dài đến tận hôm nay khi chúng tôi đọc lại những dòng chữ của chị.

Thật lạ kỳ, ngay tối hôm sau, khi mở chương trình người đương thời trên VTV1, tôi lại gặp những người liên quan đến cuốn nhật ký. Và như một sợi dây liên kết, tôi đã không cầm được nước mắt. Tự nghĩ rằng, đã quá lâu mình quay cuồng với cuộc mưu sinh, cũng có lúc không hài lòng với mọi người và đồng nghiệp. Rồi tự trách sao lại vậy, chị Trâm đã từng day dứt, tại sao không sống tốt với nhau hôm nay, để chẳng may bạn nằm xuống rồi mới thấy đớn đau và ân hận. Và qua đó thấy mình muốn được sống tốt hơn, sống có ích và nhân ái hơn. Cuốn nhật ký đã giữ nhịp cho chúng tôi để tự nhìn và soi rọi lại mình. 

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục