Công bằng trong yêu thương

Trong cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái luôn là một trong những vấn đề gây nhức đầu nhất đối với các ông bố, bà mẹ. Đặc biệt, việc cân bằng trong chăm lo cho con cái trong những gia đình có nhiều hơn 1 đứa con luôn là một vấn đề không đơn giản.
Công bằng trong yêu thương

Cha mẹ không công bằng…

Có thể nói, đối với bất cứ một gia đình nào có từ 2 đứa con trở lên, trả lời câu hỏi có thiên vị đứa con nào hơn hay không, câu trả lời luôn là: Không!, hay cụ thể hơn là “Con nào mà chẳng là con, làm gì có chuyện đứa yêu, đứa ghét…”. Tuy nhiên, trên thực tế điều đó lại không thể hiện trong hành vi, cách ứng xử hàng ngày của họ với trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiên vị mà đôi khi chính người cha, người mẹ không để ý đến. Kiểu thiên vị dễ thấy nhất là đứa sau được cưng hơn đứa trước với lý do rất hợp lý là “em còn bé…”, đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều đứa trẻ sợ hãi mình sẽ bị bỏ rơi khi cha mẹ có em. Rồi đứa nhỏ hơn cũng dễ bị ốm, cần phải chăm sóc nhiều hơn và kết quả là đứa trước, vốn trước đây được chăm lo nhiều nay cảm thấy mình bị “bỏ rơi”, xuất hiện cảm giác tủi thân hay cực đoan hơn là quậy phá với hy vọng được cha mẹ chú ý hơn. Ngược lại, ở một số gia đình lại chiều con lớn hơn với lý do khi họ sinh đứa lớn hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nay có đứa sau, điều kiện kinh tế tốt hơn nên xuất hiện tâm lý bù đắp. Rồi có gia đình, cha mẹ lại thể hiện rõ sự ưu ái với những bé học giỏi, thông minh và lạnh nhạt với đứa con chậm chạp, kém cỏi hơn. Cá biệt, có gia đình vì một lý do quá khứ nào đó mà lại yêu ghét mà chiều chuộng đứa này và hà khắc với đứa kia. Sự thiên vị có thể chỉ đơn giản là một câu yêu thương, một cử chỉ âu yếm, sự ưu ái khi xảy ra xung đột, hay có khi là sự so sánh “sao không học hỏi anh/chị hoặc em con ấy…”.

Không phải chỉ khi những đứa trẻ còn nhỏ mới có sự thiên vị, gia đình anh Nguyễn Văn T. tại TPHCM là một điển hình, khi đứa con lớn anh vào đại học thì đứa nhỏ vào cấp 3. Khi đó, anh chị vừa thành công về kinh tế nên muốn cải thiện điều kiện cho con bằng cách cho đứa nhỏ đi du học tại Úc. Anh chị suy nghĩ rằng đứa lớn đã vào đại học, coi như ổn định, dồn vào đứa nhỏ chuẩn bị cho tương lai. Không ngờ, đứa lớn bất mãn nhưng không nói ra, nó dần bỏ bê việc học, ham chơi bời. Đến khi anh mắng, nó mới trách rằng: Khi con xin tiền hùn cùng bạn bè mở shop quần áo, chẳng bao nhiêu nhưng bố lại không cho, bảo tập trung vào học. Còn em thì bố mẹ đầu tư cho đi nước ngoài học để mở mang đầu óc, tiếp xúc xã hội, phát triển sự năng động. Chẳng lẽ chuyện kinh doanh của con không phải mở mang đầu óc, tiếp xúc xã hội, phát triển sự năng động? Nghe con nói anh mới bàng hoàng, không ngờ điều anh nghĩ đơn giản lại trở nên phức tạp như vậy. Gọi đến chuyên gia xin lời tư vấn, anh cho rằng làm gì bây giờ cũng khó, đồng ý chuyện kinh doanh của con thì giống như thừa nhận mình sai, mình thiên vị nên giờ sửa sai, bù đắp lại trong khi thực tế như cả anh và chị đều khẳng định, chưa bao giờ thiên vị đứa nào hơn, đầu tư cho đứa sau chẳng qua vì thuận tiện trong việc du học hơn mà thôi. 

Hạnh phúc đến từ sự công bằng

Các chuyên gia tâm lý trẻ em đều thừa nhận, sự thiên vị giữa các con là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt với những gia đình có nhiều con. Tuy nhiên, sự thiên vị ở mức độ như thế nào mới là điều đáng phải suy nghĩ. Ngày xưa, sự thiên vị có thể đến từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngày nay đa số gia đình chỉ có một đến hai con, suy nghĩ cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều nên sự thiên vị cũng ít hơn nhưng vẫn tồn tại ở nhiều gia đình. Đứa con bị đối xử thiếu công bằng sẽ sinh ra mặc cảm và ganh tị cũng như là ghét bỏ anh/chị hoặc em của mình. Từ đó trẻ trở nên ương bướng, khó bảo, cố tình làm trái với lời bố mẹ như một sự “trả thù”. Chúng sẽ cảm thấy mặc cảm, tự ti, cảm giác lạc lõng và bị bỏ rơi ngay chính trong ngôi nhà của mình. Thậm chí, chúng sẽ tự cô lập bản thân dẫn đến trầm cảm. Còn đứa con được quan tâm hơn thường dễ kiêu ngạo. Sự nuông chiều hay bảo bọc quá mức khiến “sức đề kháng” của trẻ kém dễ bị lôi kéo, sa ngã khi bước ra ngoài xã hội. Thậm chí, nếu việc thiên vị kéo dài có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các con kéo dài cho đến khi những đứa trẻ trưởng thành.

Chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên: Trước hết, cha mẹ cần phải nhìn nhận lại hành động của mình để điều chỉnh cho phù hợp. Không bao giờ được quên thể hiện hành động yêu thương với các con không chỉ dừng ở lời nói. Luôn quan tâm đến thái độ, tâm trạng của con, nếu trẻ có những biểu hiện ganh tị, cha mẹ cần gần gũi, hỏi han để trẻ bộc bạch cảm xúc. Việc dung hòa này không chỉ nằm ở việc nói cho các con hiểu mà phải thể hiện qua từng hành động hàng ngày. Hãy cho con cảm giác không bị yếu vế so với những anh chị em mình. Nếu có những lý do đặc biệt phải có sự thiên lệch thì hãy giải thích cho đứa còn lại để con hiểu anh chị em của chúng đang cần sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn vì những lý do cụ thể nào đó. Chẳng hạn như trường hợp anh chị T, thay vì tự mình quyết định hết, anh chị có thể trao đổi với đứa con đầu, giải thích cho con về việc đầu tư cho em và lắng nghe phản hồi từ con. Nếu có sự thấu hiểu từ đầu, đứa con cả của anh chị không đến mức suốt một thời gian dài rơi vào cảm giác chán chường, tủi thân vì nghĩ bố mẹ thương em hơn thương mình.

Đối xử thật công bằng với các con mới là phương pháp dạy con đúng đắn. Điều này hầu như làm cha làm mẹ ai cũng biết, nhưng để thực hiện được lại đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của các con.

Tin cùng chuyên mục