Hôm nay 9-11, Trung Quốc khai mạc Hội nghị thứ 3 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 18 với chương trình nghị sự được cả thế giới chú ý. Các báo Trung Quốc ngày 8-11 đồng loạt đăng tải bài viết về dư luận quốc tế trước hội nghị quan trọng này với tựa đề “Kỳ họp quan trọng của CPC truyền cảm hứng cho sự thay đổi ở Trung Quốc”. Phần lớn cho rằng cải cách kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến một thời điểm rất quan trọng. Đã đến lúc nước này truyền cảm hứng cho những nỗ lực mới sau nhiều thập kỷ mở cửa và cải cách, nếu muốn duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Lãnh đạo mới của Trung Quốc cam kết tiếp tục cải cách theo hướng thị trường, hợp lý hóa quản lý và giao quyền nhiều hơn cho cấp dưới, cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn bằng cách giảm sự can thiệp của chính phủ.
Báo dẫn lời ông Toshiki Kanamori, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Daiwa Ltd của Nhật Bản, cho biết Thượng Hải chính là biểu hiện cho sự thay đổi nhận thức của Chính phủ Trung Quốc: không có chính sách ưu đãi theo kiểu cũ cùng những quy định của chính phủ, khu vực thương mại tự do này sẽ hoạt động dựa trên sự vận động của thị trường. Ngoài ra, vấn đề cải cách thuế cũng được thế giới quan tâm. Giáo sư Athar Hussain, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Trường kinh tế London, cho biết nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề xã hội của Trung Quốc, đặc biệt là ở cấp cơ sở, bắt nguồn từ những bất hợp lý trong chi tiêu của chính quyền địa phương và các khoản thu thuế của họ. Hai tác giả Li Cheng và Ryan Mcelveen cho rằng các động thái gần đây báo hiệu lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách toàn diện, bao gồm cả cải cách kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và sinh thái thay vì chỉ đơn thuần là cải cách kinh tế.
Một vấn đề khác cũng hết sức cấp bách là phân phối thu nhập. Hồi tháng 2-2013, Chính phủ Trung Quốc đã công bố đề cương cải cách cơ chế phân phối thu nhập giữa lúc dư luận nước này đang quan ngại sâu sắc về cách biệt giàu nghèo. Tân Hoa xã dẫn lời ông Chí Phúc Lâm, Chủ tịch Viện cải cách và phát triển Trung Quốc, cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, phân phối thu nhập là vấn đề bức thiết hàng đầu”. Ông hy vọng toàn bộ các chính sách chi tiết về vấn đề này sẽ có sau kỳ họp thứ 3 của Ủy ban Trung ương CPC. Cũng theo Tân Hoa xã, từ năm 2004, Trung Quốc đã bắt đầu cải cách phân phối thu nhập nhưng chưa đáp ứng mong đợi của người dân. Theo khảo sát xã hội chung của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc trong năm 2012, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu là từ 11.800 USD đến 17.700 USD mỗi năm. Tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 23% dân số của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ở các nước phát triển và thậm chí còn thấp hơn một số nước đang phát triển khác. Trong khi theo Báo cáo Hurun vào tháng 2-2013, Trung Quốc có 317 tỷ phú, chiếm 1/5 tổng số tỷ phú của thế giới. Nhiều nhà quan sát nói rằng cải cách thuế là rất cần thiết để tạo ra cơ chế phân phối thu nhập bình đẳng hơn.
Nếu như năm 1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình công bố loạt chính sách cải cách và mở cửa nền kinh tế thì 35 năm sau, tức là tại kỳ họp này, dư luận thế giới và nhất là người dân Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào bước đột phá thứ hai của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nếu như giai đoạn đầu, tăng trưởng kinh tế là chủ đạo thì sắp tới, mục tiêu là phát triển bền vững đi kèm với công bằng xã hội.
THỤY VŨ