(SGGPO). - Sáng nay 4-8, tại Hà Nội, Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên về ATGT, đồng thời công bố kết quả 3 nghiên cứu quan trọng về ATGT tại TPHCM và Thái Nguyên (được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu ATGT của VAMM).
Trong nghiên cứu thứ nhất về sở hữu và sử dụng xe máy ở TPHCM, kết quả của nhóm nghiên cứu Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, mỗi hộ gia đình ở TPHCM có trung bình 4,12 thành viên, trong đó 2,29 người có việc làm và sở hữu 2,33 xe máy. Thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này, trong khi các loại phương tiện công cộng khác chưa đủ hấp dẫn đại đa số người dân.
Liên quan đến vấn đề ATGT, nghiên cứu chỉ ra rằng tai nạn giao thông gây ra do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86% trong tổng số các nguyên nhân. Trong đó, nhóm nguyên nhân do hành vi lái xe không an toàn (phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá gần, sử dụng điện thoại khi lái xe) chiếm 42,2%; nhóm nguyên nhân liên quan đến kỹ năng lái xe (phanh gấp...) chiếm 21,2%; liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật ATGT (đi ngược chiều, uống rượu/bia khi lái xe...) là 22,6%; và nhóm nguyên nhân khách quan do môi trường lái xe chỉ chiếm 14%. Việc sử dụng xe máy cũ cũng được khẳng định làm cho mức độ tai nạn nghiêm trọng hơn: với xe sử dụng từ 6-10 năm, tỷ lệ xe gặp tai nạn ở mức nhập viện có thể lên đến 40%; trong khi với xe sử dụng từ 1-3 năm, tỷ lệ này chỉ 7%.
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện tại TPHCM là về nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho TPHCM. Kết quả do Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức (Đại học Việt Đức) thực hiện cho thấy, từ năm 2013-2015, số lượng tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại TPHCM tăng đáng báo động ở mức 190%, và số lượng thanh thiếu niên tử vong vì tai nạn giao thông tăng 217%. Trong đó, tỷ lệ học sinh cấp ba chiếm 79%, cấp hai 20%, tiểu học và mẫu giáo chiếm 10%. Tỷ lệ trẻ không đội nón bảo hiểm rất cao: mẫu giáo 80%, tiểu học trên 50%, cấp hai và cấp ba trên 15%. Nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính phủ đưa chương trình giáo dục về ATGT như một môn học chính thức trong nhà trường. Đồng thời, thực hiện dự án “Khu trường học an toàn – School Zone”, gắn trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh vào công tác bảo đảm ATGT cho học sinh khi đến trường.
Nghiên cứu về nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy ở Thái Nguyên, được thực hiện bởi Công ty cổ phần phát triển đô thị bền vững cho thấy, tai nạn phần lớn xảy ra trên đường quốc lộ và đường đô thị (68%). Trong số 3 nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đánh giá thì yếu tố con người đóng góp tới 80% số vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là vi phạm các quy tắc an toàn giao thông (vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia...).
Theo biên bản thỏa thuận hợp tác năm 2016 được ký giữa Ủy ban ATGT quốc gia và VAMM, hai bên sẽ phối hợp triển khai các đề xuất mà 3 nghiên cứu trên đã chỉ ra. Đồng thời, VAMM sẽ tiếp tục tài trợ 1 tỷ đồng tập trung cho dự án “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện”.
HÀM YÊN