Dù đã được báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vừa qua nhưng buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2013 cho niên độ tài chính năm 2012 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố ngày 25-7 vẫn còn “độ nóng” nhất định. Thu chi ngân sách cùng “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục được mổ xẻ khi quá trình thực thi còn tồn tại nhiều bất cập.
Nơi thất thu, nơi lạm thu
Bức tranh thu, chi ngân sách một lần nữa được KTNN chỉ ra với không ít tồn tại, dù tình hình tài chính quốc gia năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, tại các doanh nghiệp được kiểm toán vẫn còn diễn ra tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, xác định chưa đầy đủ kịp thời tiền thu sử dụng đất phải nộp. Cụ thể, kết quả kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách tại 32 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 117 doanh nghiệp của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm tra hồ sơ khai thuế của gần 1.500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 34 địa phương, KTNN đã xác định các khoản nộp ngân sách phải tăng thêm gần 2.900 tỷ đồng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thiếu 806 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thiếu gần 73 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thiếu gần 39 tỷ đồng…).
Không những thế, kết quả kiểm toán còn cho thấy tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách tại một số doanh nghiệp, tổ chức và đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc một số bộ ngành, địa phương chưa khắc phục được nhiều, và không ít đơn vị hạch toán thiếu các khoản thu dịch vụ, hạch toán các chi phí không đúng chế độ, vượt định mức… Ngoài ra, một số đơn vị còn thu vượt mức quy định về phí, lệ phí, thu một số khoản ngoài quy định. Cụ thể, Bộ Giáo dục - Đào tạo thu vượt học phí gần 39 tỷ đồng, lệ phí tuyển sinh gần 13 tỷ đồng, sau đại học gần 15 tỷ đồng; Bộ Công thương thu vượt học phí hơn 45 tỷ đồng…
Còn thu ngoài quy định, Bộ Giáo dục - Đào tạo thu gần 104 tỷ đồng; Bộ Công thương gần 59 tỷ đồng; Đại học Quốc gia TPHCM hơn 11,5 tỷ đồng… Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành III, cho biết, việc thu vượt, thu ngoài khá phổ biến tại các trường và diễn ra nhiều năm nay và con số năm 2012 khoảng 200 tỷ đồng. Qua nhiều lần kiểm toán, KTNN đã có kiến nghị yêu cầu các trường chấn chỉnh. Nguyên nhân vượt thu là do mức học phí hiện nay khá thấp, trong giai đoạn năm 2012 chỉ thu khoảng 350.000 - 450.000 đồng/sinh viên/tháng, trong khi vẫn phải dành lại một phần để chi học bổng. KTNN đã yêu cầu các bộ ngành phải trả lại tiền cho người học song các bộ, ngành đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được đồng ý về việc được chuyển số tiền thu sai này sang quỹ phát triển sự nghiệp giáo dục. Còn những khoản thu bất hợp lý thì KTNN đã yêu cầu phải chấm dứt ngay.
Về phần thu ngoài quy định, theo ông Nguyễn Văn Tân, nhiều khoản thu như nhập học, bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ… đều là khoản thu, chi hộ sinh viên, học viên. KTNN đã kiểm toán kỹ và thấy rằng các trường đều có công khai, minh bạch, đảm bảo tiết kiệm cho sinh viên, học viên.
Về chi, kết quả kiểm toán cho thấy, một số địa phương hụt thu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định như: Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang, Lạng Sơn… thậm chí còn bổ sung ngoài dự toán một số nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách (đi nước ngoài, mua ô tô, trang bị máy tính…); chưa quán triệt chủ trương thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản, sử dụng ngân sách không đúng mục đích, kém hiệu quả (31/34 địa phương chi vượt dự toán được giao; 17/34 tỉnh, thành phố chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi…).
Hoạt động của EVN thiếu minh bạch
Một điểm đáng chú ý trong phần kiểm toán về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty là về mua bán nội bộ. Theo KTNN, hầu hết các đơn vị được kiểm toán phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; quan hệ mua bán giữa công ty mẹ - con/liên kết chưa đảm bảo khách quan, không đúng quy định. Điển hình là trường hợp của EVN. Trong đó, công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện của 2 nhà máy điện là Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ hơn 865 tỷ đồng trong khi lại giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực hơn 1.700 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này năm 2011.
Giải thích rõ hơn vấn đề này trước câu hỏi của PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hồng Long - Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI, nhận định, việc mua bán nội bộ của EVN chưa đảm bảo tính khách quan. Điều đó là do có sự bù lỗ giữa các thành viên với nhau. Việc bán điện giảm giá cho 5 đơn vị mà EVN nắm 100% vốn là do thực hiện theo chỉ đạo nhiệm vụ bán điện trước năm 2012 thấp để kiềm chế lạm phát. Còn 2 đơn vị mà EVN mua điện tăng là để bù lỗ 865 tỷ đồng mà 2 đơn vị này gánh phải dù đó là 2 công ty là cổ phần. Trong đó, Nhiệt điện Uông Bí phải bù lỗ do thực hiện nhiệm vụ bán điện được giao; Nhiệt điện Cần Thơ phải chạy dầu với giá thành lên đến 36.000 đồng/kWh khi phải bù đắp công suất thiếu do sự cố đường dây. Điều đáng nói là vận hành của nhà máy chỉ là 7% công suất (giảm 93% so với cùng kỳ) nhưng vẫn chịu các chi phí như vận hành 100% và phải dùng 91 tỷ đồng để bảo dưỡng duy tu.
Trước câu hỏi về việc những tác động này ảnh hưởng thế nào đến việc tăng giá điện năm 2012, ông Long cho biết, giá điện năm 2012 tăng 2 lần là do việc điều chỉnh giá than tăng từ 28% lên 42%; xử lý do lỗ chênh lệch tỷ giá; giá bán thấp… Nếu không phải gánh những khoản này thì năm 2012, giá điện thậm chí còn giảm 120 đồng/kWh. Lý giải thêm về kết luận của “EVN đã phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án tăng giá điện”, ông Long cho biết, theo lộ trình EVN phân bổ lỗ do tỷ giá 7%/năm nhưng khi EVN có lãi, tổng công ty này đã phân bổ lên tới 30%. Việc này đã không nhất quán so với đăng ký. Tuy nhiên, đại diện KTNN cũng không giải thích rõ điều này ảnh hưởng ra sao đến việc tăng giá điện năm 2012.
Cũng theo nhận định của KTNN, một số tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư tài chính không đúng quy định của Bộ Tài chính, đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều công ty con, công ty liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Chẳng hạn, công ty mẹ EVN đầu tư vượt vốn điều lệ hơn 21.000 tỷ đồng, công ty mẹ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) vượt gần 1.300 tỷ đồng… nhưng lợi nhuận EVN được chia chỉ 0,62% giá trị đầu tư dài hạn; 6/57 công ty thuộc TKV lỗ gần 120 tỷ đồng…
| |
HÀ MY