Cách nay 6 năm, từ ngày 31-1-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/2008/CT-TTg về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (CBCC-VC), quy định: “CBCC-VC không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực”. Sau đó, Chính phủ còn có thêm các văn bản nhắc lại và chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định này. Thế nhưng thực tế vẫn có nhiều CBCC-VC nhậu trong giờ làm việc hoặc giờ nghỉ trưa.
Điểm hẹn nhậu trưa
Nhiều quán nhậu đã chuyển đổi tên thành nhà hàng ăn, quán ăn sân vườn, quán cơm phòng lạnh, thực chất vẫn là quán nhậu nhưng đáp ứng được yêu cầu của các CBCC-VC nhậu trong giờ làm việc là để “khuất mắt thiên hạ”. Thay vì bày bàn nhậu chung trong các phòng ăn lớn, quán đặt các bàn nhậu trong sân vườn hoặc trong các phòng máy lạnh. CBCC-VC vào bên trong nhậu an toàn mà không bị phát hiện.
Tại TPHCM, nhiều CBCC-VC thường nhậu trưa tại các quán nhậu sân vườn ở đường Tân Sơn Nhì, Lê Trọng Tấn, Âu Cơ, Cao Thắng, Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong, đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 9), khu Thảo Điền (quận 2), khu Bàu Cát (quận Tân Bình)… Ngoài ra, các quán nhậu nằm trong hẻm, sát bờ sông, gần kênh được nhiều CBCC-VC chọn làm điểm nhậu trưa do kín đáo, an toàn và giá cả cũng rất bình dân. Ghé vào một nhà hàng trên đường Cao Thắng (quận 1) với nhiều phòng máy lạnh, bên trong kéo rèm, là nơi luôn có nhiều CBCC-VC vào nhậu trưa, chúng tôi nói nhân viên phục vụ cho một phòng lạnh để dùng cơm, nhưng nhân viên này nói ngay rằng đã có người đặt phòng hết rồi. Chúng tôi ngồi ở phòng ngoài nhẩn nha ăn cơm và chú ý quan sát. Gọi là nhà hàng nhưng phía phòng ăn bên ngoài diện tích nhỏ, chỉ đủ bày chừng 10 bộ bàn ghế. Hỏi ra mới hay bên trong còn có hơn 20 phòng lạnh. Hơn 13 giờ, khách nhậu từ trong các phòng lạnh kéo nhau bước ra, toàn là người mặc đồ công sở rất lịch sự. Hỏi nhân viên phục vụ sao tự nhiên khách kéo nhau ra về nhiều vậy, anh này thản nhiên nói: “À, về đi làm đó mà! Mấy anh này làm ở gần đây, giờ trưa thường vào phòng lạnh uống bia rồi trở vào làm, do sợ ngồi phòng ăn bên ngoài dễ bị mọi người nhìn thấy, nên vào bên trong phòng lạnh nhậu cho kín đáo. Vì vậy, thường các phòng lạnh chỉ dành cho CBCC-VC vào nhậu, chứ không dành cho khách vào ăn cơm”.
Tại khu Kỳ Hòa (quận 10, TPHCM) có nhiều quán nhậu sân vườn mọc san sát nhau, mặt tiền thành bãi giữ xe, bày cây cảnh lùm xùm che khuất để từ ngoài nhìn vào không thể thấy được. Lúc 11 giờ, vẫn chưa hết giờ làm việc buổi sáng, chúng tôi bước vào bên trong quán. Hầu như tất cả thực khách đang ngồi nhậu tại các bàn đều là CBCC-VC vì ai cũng mặc trang phục công sở chỉnh tề. Chắc chắn, để có thể bỏ việc buổi chiều không quay lại cơ quan, các CBCC-VC này có đủ cách nói dối cơ quan như đi gặp khách hàng, gặp đối tác bàn chuyện công việc hoặc xuống cơ sở.
Nhậu trưa, hết luôn buổi chiều
CBCC-VC nhậu vào giờ trưa nên khi trở vào cơ quan không tỉnh táo để làm việc hiệu quả. Có khi người dân đến cơ quan công quyền lại phải phiền hà khi thấy cán bộ say, tác phong không chuẩn mực. Bạn đọc Hồ Thị Ánh Nguyệt (ngụ tại quận 10, TPHCM) bức xúc phản ánh qua đường dây nóng Báo SGGP: “Mấy ông trong cơ quan tôi, giờ nghỉ trưa đều rủ nhau đi nhậu, chiều vào phòng ngồi làm việc mà mùi rượu nồng nặc, nói năng lung tung, có ông ngồi gục mặt xuống bàn ngủ, trông thật khó chịu. Đó là ở nơi làm việc, tối về đến nhà lại thấy chồng cũng vậy. Đều là công chức mà sao ai cũng có thể nhậu khi đi làm”.
Bạn đọc Lê Hải Nam (ngụ tại quận 1, TPHCM) kiến nghị: “Tôi nghe một số tỉnh đã thực hiện rất nghiêm việc cấm CBCC-VC nhậu trong giờ làm việc, nhưng tại TPHCM vẫn chưa có những động thái cần thiết để chấn chỉnh. Không thể để CBCC-VC nhậu trưa hay trong giờ làm việc. Nhiều nơi muốn gặp cán bộ rất khó, có người thường chỉ làm việc buổi sáng rồi ra ngoài suốt cả buổi chiều. Thành lệ, muốn gặp nhau bàn công việc đều vào quán nhậu. Cần đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong tác phong làm việc của CBCC-VC. Việc cấm CBCCVC nhậu trong giờ làm việc cũng là để họ rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong lối sống cũng như tác phong làm việc, đồng thời lập lại trật tự kỷ cương, nền nếp công sở”.
Rất cần tăng cường việc kiểm tra giám sát của cả hệ thống chính trị trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương đối với hành vi trên. Nếu lãnh đạo cũng uống rượu bia trong giờ làm việc, không gương mẫu, cũng phải bị kiểm điểm, xử lý nghiêm túc, có như vậy cấp dưới mới nghiêm chỉnh chấp hành.
THANH HẢI
Không được ăn gian giờ công
Dư luận rất hoan nghênh việc tỉnh Quảng Bình đã làm rất nghiêm việc kiểm tra, xử lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) ăn gian giờ công, ngồi lê la quán xá ngay trong giờ làm việc. Trước đó, hồi cuối năm 2012, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra lề lối làm việc của CBCC-VC trên địa bàn và phát hiện, yêu cầu kiểm điểm hơn 200 CBCC-VC làm việc ở các sở, ngành, địa phương về hành vi ăn gian giờ làm việc công.
Ăn gian giờ công để làm việc riêng đã trở thành căn bệnh trầm kha mà chưa có thuốc đặc trị để chữa dứt điểm, do vậy nó lây lan và gây hại cho dân, lãng phí tiền của nhà nước khi hàng tháng, nhà nước phải trả lương cho cả thời gian trốn việc của CBCC-VC một cách vô lý. Trên thực tế, chuyện CBCC-VC la cà bên ngoài dù đang trong giờ làm việc là rất phổ biến. Lâu nay, người dân luôn kêu ca về thái độ phục vụ của cơ quan công quyền nhiều nơi còn rề rà, ì ạch, luôn bắt dân phải chờ vì cán bộ vắng mặt ở cơ quan. Dù nhiều tỉnh, TP có ban hành quy định về việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp trốn giờ làm, nhưng ban hành ra lại không áp dụng, chưa phạt được ai.
Đã đến lúc mỗi địa phương, mỗi cơ quan đơn vị phải đặt nhiệm vụ chấn chỉnh lề lối làm việc trong cơ quan mình làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để khắc phục tình trạng CBCC-VC ăn gian giờ công, giúp dân không phải chịu cảnh chờ đợi cán bộ. Cần phát động phong trào chấn chỉnh lề lối làm việc, xem việc không lạm dụng giờ công cho việc riêng là thái độ ứng xử có văn hóa và tự trọng.
VÕ MINH HUY (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)