Từ ngày 1-7-2007, Luật Công chứng có hiệu lực, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và tạo nên hình ảnh tích cực mới về hoạt động công chứng. Dẫu vậy, sau 5 năm thi hành, không ít vướng mắc, bất cập vẫn chưa được tháo gỡ khiến hoạt động công chứng chưa đạt hiệu quả cao.
Bỏ qua cả trình tự, thủ tục
Luật Công chứng ra đời cho phép xã hội hóa hoạt động công chứng, dẫn đến việc thành lập nhiều văn phòng công chứng (thường gọi là Công chứng tư) hoạt động song song với các phòng công chứng (thường gọi là Công chứng nhà nước), tạo điều kiện để người dân có quyền chọn lựa khi có nhu cầu công chứng. Cơ chế xin - cho không còn tồn tại, thay vào đó là chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số tổ chức hành nghề công chứng do quá chú trọng đến việc thu hút khách hàng nên bỏ qua một số trình tự, thủ tục công chứng hoặc thực hiện công chứng không phù hợp với quy định. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp vai trò “người gác cửa” về pháp lý trong các quan hệ giao dịch dân sự bị buông lỏng, dẫn đến quyền lợi của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng.
Dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh còn thể hiện qua việc tổ chức hành nghề công chứng chi hoa hồng cho người môi giới hoặc nhân viên ngân hàng “dắt khách”, thực hiện công chứng ngoài giờ làm việc và ngoài trụ sở không có lý do chính đáng tạo nên cái nhìn không hay về “công chứng viên dạo”.
Thế nhưng, theo ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chứng TPHCM, nói đi cũng phải nói lại, trường hợp đặc biệt như công chứng di chúc cho người đang hấp hối rơi vào buổi tối hoặc ngày nghỉ nếu chờ đến giờ làm việc sẽ không kịp. Lúc ấy, quy định cứng nhắc về thời gian, địa điểm công chứng lại trở thành “vòng kim cô” gây khó cho công chứng viên và người dân.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng hiện đã có quy định về thực hiện công chứng ngoài trụ sở, ngoài giờ làm việc đối với một số trường hợp nhưng cách vận dụng như thế nào cho chặt chẽ thì cần được nghiên cứu thêm. Quan trọng hơn hết, các công chứng viên phải nâng cao ý thức và đạo đức hành nghề thì sẽ không làm chuyện sai trái.
Thiếu sự hỗ trợ
Ông Phan Văn Cheo cho biết, vừa qua có một trường hợp tài sản được thực hiện giao dịch ở nơi khác, sau đó mang đến thực hiện giao dịch tại Văn phòng công chứng Sài Gòn (nơi ông đang làm công chứng viên), nếu không nhờ người quen vào mạng thông tin xem giùm thì hậu quả không biết thế nào.
Sự thiếu hỗ trợ của cơ quan chức năng cũng khiến các công chứng viên bức xúc. Công chứng viên Lý Thị Như Hòa, Trưởng Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa, dẫn chứng: “Chúng tôi đã 3 lần phát hiện người yêu cầu công chứng sử dụng “giấy hồng” giả và CMND giả. Thế nhưng sau khi cơ quan công an mời những người này về trụ sở làm việc thì không thông báo lại kết quả giải quyết cho chúng tôi. Về sau, hỏi mãi chúng tôi mới biết những đối tượng có hành vi gian dối đó chỉ bị tịch thu giấy tờ giả và bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Từ thực trạng trên, bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6, kiến nghị cần phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm, thời hạn để các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu khi công chứng viên yêu cầu. Trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời dẫn đến việc công chứng không chính xác, gây thiệt hại thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Các tổ chức hành nghề công chứng phản ánh, đến nay TPHCM vẫn chưa có được cơ chế liên thông thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng; dẫn đến tình trạng gian dối, lừa đảo, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng... trong hoạt động công chứng có chiều hướng gia tăng.
Ái Chân