Trong bức tranh ảm đạm chung của thế giới với sự đi xuống của kinh tế Mỹ và châu Âu thì châu Á, đặc biệt khu vực Đông Nam Á, được kỳ vọng vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong đó, Singapore, một trong những nền kinh tế đầu tàu, vẫn duy trì và phát triển tốt các công cụ để hóa giải những tác động tiêu cực của cuộc suy thoái toàn cầu.
Trong khi kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 8,1% trong quý đầu tiên năm 2012, tốc độ thấp nhất trong gần 3 năm qua và nhiều nước châu Á liên tục hạ mức tăng trưởng, thì kinh tế Singapore tăng trưởng nhanh hơn dự báo với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý 1-2012 tăng 9,9% so với quý trước, khiến ngân hàng trung ương bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách cho phép đồng nội tệ tăng giá nhanh hơn để kiềm chế lạm phát…
Doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt cả mức kỳ vọng tăng 7,2% của 13 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin tài chính Bloomberg trước đó. Các lĩnh vực liên quan đến du lịch như chi tiêu ở nhà hàng, khách sạn đều có chiều hướng tốt so với năm 2011, giúp bù lại sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất của quý 1 vừa qua.
Tuy nhiên, công cụ để hóa giải mạnh nhất những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay tại đảo quốc Sư tử này là dịch vụ hậu cần thương mại. Trong khi cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã làm chệch hướng chú ý của thế giới khỏi tiến trình cải thiện dịch vụ hậu cần thương mại toàn cầu, Singapore vẫn tiếp tục thúc đẩy dịch vụ này nhờ những cuộc cải tổ lớn.
Theo khảo sát vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cách đây vài ngày, Singapore tiếp tục được xếp hạng cao nhất trong số 155 nền kinh tế toàn cầu về hiệu quả thúc đẩy dịch vụ hậu cần thương mại. Dịch vụ hậu cần thương mại trở thành nhân tố quyết định sức cạnh tranh, tăng trưởng và xóa đói nghèo của một nền kinh tế.
Theo WB, Singapore đã phát triển và duy trì quan hệ đối tác và đối thoại chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và tư nhân, hợp tác tốt giữa các nhà hoạch định chính sách, những người thực hiện, các nhà quản lý, các học giả, đồng thời thúc đẩy đường lối toàn diện phát triển dịch vụ vận tải, cơ sở hạ tầng và hậu cần một cách hiệu quả.
Ngoài ra, sự phục hồi của Singapore còn nhờ vào vị trí vệ tinh phân phối ở châu Á. Hầu hết những công ty bán hàng trực tiếp nước ngoài muốn mở rộng những cơ hội kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á đều chọn Singapore làm nơi tổ chức kế hoạch kinh doanh tiền trạm do tiếng Anh được sử dụng phổ biến, nguồn nhân lực có chất lượng và nền tài chính khá ổn định. Đối với nhiều công ty trong ngành bán hàng trực tiếp, Singapore có xu thế sẽ được họ sử dụng như bước đệm nhảy vào những quốc gia đông dân như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu sụt giảm vì kinh tế khó khăn, rõ ràng những lợi thế này đã giúp Singapore giành được ưu thế tuyệt đối tại sân chơi châu Á.
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết năm 2012 có thể sẽ vẫn là một năm khó khăn với kinh tế toàn cầu. Là một nền kinh tế nhỏ và mở cửa, Singapore không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, với mức tăng trưởng ước đạt 1%-3%. Tuy nhiên, ông khẳng định nước này có lý do để lạc quan.
Hạnh Chi