Bước sang năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, cho phép tự do dịch chuyển lao động thuộc 8 ngành nghề: Nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kiến trúc, kỹ sư, kế toán, giám sát viên và du lịch. Trước ngưỡng cửa hội nhập, những người lao động thuộc các ngành nghề trên nói gì?
Ứng viên điều dưỡng Việt Nam nhận visa trước giờ xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài
Sợ thua trên sân nhà
Kỹ sư Lương Quốc Huy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Công nhân lao động sáng tạo”, cho rằng: “Rào cản lớn nhất của các kỹ sư khi hội nhập chính là ngoại ngữ. Không chỉ tiếng Anh mà cả tiếng của các nước trong khu vực. Trong khi đó, nhiều nước trong khối ASEAN như Singapore, Thái Lan… có lực lượng lao động không chỉ giỏi tay nghề mà cả ngoại ngữ cũng được đầu tư chỉn chu. Do đó, khi hội nhập, nếu lực lượng kỹ sư của nước ta không tự mình trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, tay nghề, đồng thời trau dồi ngoại ngữ thì sẽ thua trên sân nhà, chứ chưa nói đến cơ hội được đi làm việc tại các nước phát triển”.
Theo bà Huỳnh Thị Phượng, Điều dưỡng trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TPHCM), hiện nay trình độ điều dưỡng của nước ta vẫn chưa thể bằng các nước trong khu vực. Tỷ lệ điều dưỡng có bằng cấp đại học, trên đại học rất ít, chủ yếu là trung cấp chiếm hơn 85%. Trong khi đó, tại các nước ASEAN trình độ diều dưỡng đã nâng lên bậc cử nhân. Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là cơ hội cho ngành điều dưỡng phát triển. Hiện điều dưỡng được xem là một lĩnh vực rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, nhưng thời gian qua vẫn chưa có nhiều sự quan tâm để có cơ hội phát triển. Tại các cơ sở y tế, công việc của một điều dưỡng đang rất quá tải, chính vì vậy họ không có điều kiện để học tập nâng cao tay nghề.
Bà Huỳnh Thị Phượng cho rằng điều dưỡng Việt Nam rất giỏi tay nghề, nhưng lại bị hạn chế bởi trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, do cấp bậc đào tạo chỉ đến trung cấp, cao đẳng nên đây sẽ là rào cản lớn của điều dưỡng khi Việt Nam gia nhập nền kinh tế ASEAN. “Nước ta đã có những bệnh viện tư do nước ngoài đầu tư và những điều dưỡng có tay nghề đã được tuyển dụng làm việc với mức lương khá cao. Do đó, tôi không lo ngại việc chảy máu chất xám đi các nước. Bởi thực tế, điều dưỡng của nước ta khi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng chỉ được xem là trợ giúp điều dưỡng chứ chưa được làm việc ở vị trí điều dưỡng. Nhưng điều đáng lo lắng là khi hội nhập, những điều dưỡng của các nước bạn, nhất là Philippine được đào tạo bài bản sẽ sang làm việc tại nước ta ở những vị trí cao, còn điều dưỡng trong nước sẽ khó lòng cạnh tranh được”, bà Huỳnh Thị Phượng trăn trở.
Đa số lao động lạc quan
Trong khi đó, anh Phan Công Minh (Trung tâm Đào tạo ngành khách sạn và nhà hàng An Rê Mai Sen, quận Bình Thạnh) luôn thể hiện sự tự tin. Anh Minh cho biết rất quan tâm đến AEC và việc tự do di chuyển lao động. Theo anh Minh, khi hội nhập, cơ hội làm việc của những người trong lĩnh vực du lịch và nhiều ngành, nghề khác không bó buộc ở một quốc gia mà sẽ dễ dàng kiếm việc hơn ở nhiều nơi trong khu vực. Hội nhập cũng là cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài biết đến lao động Việt Nam hơn. Không ngại sang nước khác làm việc nhưng anh Minh bày tỏ, anh muốn ở lại Việt Nam: “Mình cố gắng học giỏi, rồi lại sang nước khác làm, là mình đi bán chất xám, làm giàu cho nước khác. Thay vì thế, tôi sẽ ở lại Việt Nam, cùng chung tay giúp đất nước phát triển tốt hơn. Dù khó khăn, tôi vẫn ở lại, vì lợi ích lâu dài của đất nước”.
2.500 người lao động ở các doanh nghiệp vừa tham gia khảo sát của đơn vị tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks về AEC. Kết quả cho thấy, hầu hết (92%) người lao động xem AEC là cơ hội tốt cho sự nghiệp của mình. Hai lợi ích được người lao động chỉ ra là sẽ có nhiều cơ hội học hỏi và cọ xát với người lao động giỏi từ các nước. Đồng thời, người lao động cũng kỳ vọng văn hóa và tác phong làm việc quốc tế sẽ góp phần cải thiện văn hóa làm việc và tác phong làm việc trong nước theo chiều hướng tốt hơn. Chỉ có 8% người lao động được hỏi lo ngại sẽ gặp bất lợi khi hội nhập.
Để sẵn sàng cho AEC, tất cả người lao động đều thống nhất rằng có 3 kỹ năng quan trọng mà người lao động Việt Nam cần trang bị là ngoại ngữ, giao tiếp và kỹ năng lãnh đạo/quản lý. “Khi hội nhập, sẽ cần ngôn ngữ chung để làm việc, ở đây là tiếng Anh. Hiện chỉ có một phần nhỏ lao động ngành du lịch thành thạo ngoại ngữ. Nếu khắc phục điểm yếu này cộng với trang bị kỹ năng mềm, chúng ta hoàn toàn cạnh tranh ngang ngửa với lao động các nước bạn”, anh Phan Công Minh tin tưởng. Nhìn chung, có thể thấy người lao động Việt Nam xem ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong việc cạnh tranh với nhân lực nước ngoài trong AEC.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho biết trong số 8 ngành nghề trên thì thị trường trong nước có thể đáp ứng được đối với các vị trí kế toán thông thường, kỹ sư sản xuất. Tuy nhiên, đối với kỹ sư chất lượng cao, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin thì lại đang rất thiếu. |
THÁI PHƯƠNG - MẠNH HÒA