Công du vì “Make in India”

Ngày 13-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự khai mạc gian hàng của Ấn Độ tại Hội chợ Hannover, hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới, nơi có sự tham gia của khoảng 6.500 công ty đến từ 70 quốc gia.

Ngày 13-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự khai mạc gian hàng của Ấn Độ tại Hội chợ Hannover, hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới, nơi có sự tham gia của khoảng 6.500 công ty đến từ 70 quốc gia.

Hãng Deutsche Welle cho hay đây là một trong những hoạt động của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ trong chuyến thăm Đức 3 ngày với mục đích kêu gọi đầu tư vào quốc gia Nam Á, quảng bá cho chiến dịch Make in India. Trước khi đến Đức, ông Modi đã có chuyến thăm Pháp 3 ngày cùng với mục đích tương tự. Thủ tướng Ấn Độ sẽ kết thúc chuyến công du 9 ngày với điểm đến cuối cùng là Canada.

Khi lên cầm quyền vào tháng 5-2014, Thủ tướng Modi đề ra mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một căn cứ công nghiệp của thế giới, tạo đà cho tăng trưởng tại quốc gia đông dân thứ hai hành tinh và giải quyết việc làm cho 12 triệu thanh niên hàng năm gia nhập thị trường lao động. Để thực hiện mục tiêu này, Ấn Độ có kế hoạch thu hút đầu tư ngoại quốc ít nhất trong 25 lĩnh vực. Tại Paris, ngoài ký kết các hợp đồng về máy bay chiến đấu, lãnh đạo của Ấn Độ đã kêu gọi doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực hạt nhân dân sự, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải… Trong đó, đáng chú ý là dự án hợp tác giữa Tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và Hãng đường sắt Indian Railways về xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của Ấn Độ cũng như sự hào hứng của doanh nghiệp Pháp với dự án 100 “thành phố thông minh” của Ấn Độ. Tại Đức, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cũng là vấn đề trọng tâm được ông Modi bàn thảo với người đồng cấp Đức Angela Merkel.

Mặc dù là một thị trường giàu tiềm năng, hấp dẫn, Ấn Độ lại bị coi là một trong những điểm đến khó vào kinh doanh nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ đứng thứ 142/189 về điều kiện kinh doanh. Điều này đã khiến môi trường kinh doanh của quốc gia Nam Á trở nên kém cạnh tranh so với nhiều quốc gia đang trỗi dậy khác như Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP Paribas Johanna Melka cho biết, để tạo điều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua hai đạo luật quan trọng. Đạo luật thứ nhất, cho phép doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát đến 49% vốn trong các doanh nghiệp Ấn Độ. Văn bản thứ nhì cũng quan trọng không kém nhằm khuyến khích đầu tư trong ngành đường sắt khi New Delhi cho phép các tập đoàn nước ngoài bỏ vốn ra đến 100%. Tại Hannover, trước hàng ngàn doanh nghiệp, Thủ tướng Modi một lần nữa tái khẳng định Ấn Độ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư khi cam kết sẽ loại bỏ quy định không cần thiết, đơn giản hóa các thủ tục. “Các bạn sẽ tìm thấy không chỉ là một thị trường cởi mở mà là một thị trường nồng nhiệt chào đón các nhà đầu tư” - ông Modi khẳng định.

Với tiềm năng của Ấn Độ, không ít các chuyên gia đã dự đoán mức tăng trưởng trung bình của quốc gia Nam Á sẽ ở mức trên 8% trong những năm tới. Trong bối cảnh Bắc Kinh đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng, dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về việc Ấn Độ (chứ không còn là Trung Quốc), sẽ dẫn dắt tăng trưởng ở châu Á, là có cơ sở.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục