Công khai để minh bạch

Vào ngày 22-3 tới, chính phủ Nga sẽ công bố dự luật chống tham nhũng mới trên các mạng tin cho đông đảo người dân Nga xem và góp ý. Dự luật này được xem là biện pháp bài trừ nạn tham nhũng mạnh tay nhất tại Nga từ trước đến nay.

Theo dự luật, các quan chức nhà nước và thành viên quốc hội phải công khai thông tin về việc mua nhà, cổ phiếu, xe hơi “nếu số tiền chi trong một lần mua bán của một quan chức hoặc thành viên gia đình người này vượt tổng thu nhập chính thức trong 3 năm của các thành viên gia đình”. Cũng theo dự luật này, các quan chức không chứng minh được sự chênh lệch giữa các khoản thu chi của gia đình có thể sẽ bị miễn nhiệm và sung công những tài sản gây tranh cãi.

Cũng nằm trong kế hoạch chống tham nhũng, trước đó vào tháng 2, Thủ tướng Vladimir Putin cũng đề nghị lập danh sách lãnh đạo những bộ, ngành có nguy cơ tham nhũng cao như cảnh sát, tòa án, bất động sản, y tế, giáo dục... quy định mức lương cao hơn cho lãnh đạo những bộ, ngành đó trên cơ sở họ phải cam kết hoạt động minh bạch và công khai thu nhập cá nhân cũng như thu nhập của gia đình, áp dụng những hình thức trợ cấp, khuyến khích và khen thưởng xứng đáng cho họ. Ông Putin cũng đề nghị xem xét đến việc trừng phạt cả người đưa hối lộ thay vì chỉ xét xử người nhận hối lộ.

Giám đốc Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Nga Kirull Kabanov cho rằng tham nhũng đã nghiêm trọng đến mức cả chính quyền và xã hội cần phải phối hợp để chống lại nó. Từ nhiều năm qua, tham nhũng đã trở thành bài toán hóc búa cho các nhà cầm quyền ở Nga. Theo ước tính, mỗi năm tham nhũng gây thiệt hại cho nước Nga hơn 300 triệu USD. Câu chuyện tham nhũng ở Nga bắt đầu từ các cảnh sát giao thông luôn muốn “làm luật” người đi đường cho đến việc phê duyệt các thủ tục hành chính, cấp phép kinh doanh. Những lý do này chính là một trong những rào cản khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ khi đến nước Nga, cản trở việc nước này thu hút các nguồn vốn nước ngoài để phát triển kinh tế.

Đến gần cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Medvedev buộc phải thừa nhận những nỗ lực chống tham nhũng vẫn chỉ dừng lại ở những bài tổng kết đầy lạc quan. Trên thực tế, đến nay chính phủ Nga vẫn chưa thành lập các tòa án hành chính để xem xét các vụ kháng cáo chống lại các cơ quan nhà nước. Danh sách các cá nhân được miễn trừ xét xử hình sự, bao gồm các công tố viên, điều tra viên, nghị sĩ địa phương... vẫn còn dài dằng dặc. Nạn tặng quà cho các quan chức vẫn chưa bị cấm, bởi như một quan chức điện Kremlin thừa nhận: “Khó có thể hình dung lệnh cấm này sẽ có hiệu lực. Không giống như tiền hối lộ, quà biếu không bị xem là một vấn đề nghiêm trọng”. Ngoài ra, số vụ án thu hồi tài sản do tham nhũng cũng chưa tăng nhiều.

Trong cuộc bầu cử Nga, có rất nhiều cử tri băn khoăn trước câu hỏi chính phủ mới của ông Putin sẽ làm gì để bài trừ nạn tham nhũng khi họ quyết định bỏ phiếu cho Thủ tướng Nga trở lại điện Kremlin. Vì thế, chính quyền mới do ông Putin lãnh đạo sẽ phải rất khó khăn khi giải quyết tận gốc vấn đề này để tiếp tục duy trì sự tín nhiệm của người dân. Trước mắt, việc công khai tài chính là một việc làm cần thiết song hiệu quả của dự luật đến đâu còn phải tùy thuộc rất nhiều vào những “đầy tớ của nhân dân”. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục