Mục tiêu
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Gantz cho biết, quá trình hợp tác đang được triển khai. Cụ thể, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng Israel đã cùng với các đối tác tại Lầu Năm Góc và trong chính quyền Mỹ dẫn dắt một chương trình mở rộng, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa Israel và các nước trong khu vực. Chương trình đã đi vào hoạt động và cho phép chặn đứng một số vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel và một số quốc gia khác.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 20-6 cho thấy, Iran sẽ tăng cường làm giàu urani hơn nữa, khi chuẩn bị đưa vào vận hành máy ly tâm IR-6 tân tiến tại cơ sở ngầm Fordow. Cùng ngày 20-6, Iran cũng thông báo việc nước này bắt đầu oxy hóa - quá trình được thực hiện trước khi làm giàu và liên quan đến việc nạp UF6 vào máy ly tâm, nhưng không cho biết sẽ làm giàu đến mức độ nào.
Theo Bộ trưởng Gantz, MEAD sẽ giúp các quốc gia trong khu vực tự bảo vệ mình tốt hơn trước những nỗ lực trang bị tên lửa, tên lửa hành trình và phương tiện bay không người lái (UAV) gần đây của Iran. Bộ trưởng Gantz không nêu đích danh bất kỳ đối tác nào khác trong liên minh này hay chi tiết về các vụ tấn công mà chỉ bày tỏ hy vọng sẽ có thêm bước đi về hợp tác khu vực trong khuôn khổ chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến công du từ ngày 13 đến 16-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Israel và sau đó là Saudi Arabia, nơi ông sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Arab.
Ứng viên ẩn danh
Theo Times of Israel, ý tưởng về một hệ thống phòng không chung giữa Israel và các nước láng giềng Arab không phải là mới vì nó đã được nêu ra trong Hội nghị thượng đỉnh Negev của các ngoại trưởng từ Israel, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Maroc và Ai Cập vào tháng 3 năm ngoái. Nó cũng được thảo luận trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Saudi Arabia.
Trong khi đó, Breaking Defense dẫn một nguồn tin quốc phòng Israel cho biết, MEAD dựa trên liên minh đã hoạt động chống lại UAV vũ trang của Iran. Liên minh này dường như đã đóng vai trò nào đó trong vụ một cặp máy bay F-35 của Israel bắn hạ UAV của Iran vào năm ngoái. Trong số các quốc gia được để mắt tới vì có khả năng tham gia MEAD sẽ có Jordan, UAE, Saudi Arabia và Ai Cập. Đáng chú ý, cả Saudi Arabia và UAE đều đã có các cuộc thảo luận sơ bộ về việc mua các hệ thống phòng không do Israel sản xuất.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Gantz tại Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng không ngạc nhiên khi tập trung vào Iran, trước chuyến công du sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới khu vực. Theo Bloomberg, các chính phủ Arab và Israel cùng chia sẻ mối quan ngại chung về khả năng quân sự của Iran trong khu vực và cũng phản đối các nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 (theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế). Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran vào năm 2018, đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019 đến nay.
Các nước trên cho rằng, JCPOA không giải quyết được mối quan ngại của họ về khả năng tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Hồi giáo Iran hoặc sự hỗ trợ của nước này cho các lực lượng Hezbollah của Lebanon và Houthis của Yemen. Các cuộc đàm phán giữa các cường quốc thế giới và Iran hiện đang đi vào bế tắc khi Tehran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ định danh “khủng bố” đối với các lực lượng quân sự tinh nhuệ của quốc gia Trung Đông này.
Theo giới phân tích, khó có thể mong đợi Israel và các nước Arab bảo vệ lẫn nhau, như kiểu của NATO; cũng khó có khả năng các đối tác Arab sẽ được công khai danh tính do tính nhạy cảm xung quanh việc hợp tác với Israel.