(SGGPO).- Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.
Theo Báo cáo được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại phiên họp, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng và đạt hiệu quả nhất định. Đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính.
“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và hành vi trực tiếp tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định.
Cùng kỳ, đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với tổng giá trị 178 triệu đồng. Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp (trong đó đa phần ở TP.HCM) đã bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo. Tuy nhiên, rất ít nơi xác minh tính trung thực của các bản kê khai.
Đáng lưu ý, mặc dù đã có một số vụ án điểm được đưa ra xét xử, được dư luận quan tâm, song nhìn chung tiến độ xử lý còn chậm, án treo vẫn nhiều…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian phân tích, đánh giá rất kỹ bản Báo cáo này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhận xét: “Công luận đưa ra nhiều thông tin đáng buồn lắm. Báo cáo của Chính phủ không làm rõ được thế giới đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta như thế nào, dư luận trong nước như thế nào, Mặt trận đánh giá ra sao, trong khi đây là những kênh đánh giá hết sức quan trọng. Báo cáo chưa thấy nói rõ, lực lượng phòng chống tham nhũng (PCTN) có tiêu cực, có bao che không, có tham nhũng ngay trong lực lượng PCTN không? Báo cáo thẩm tra cũng chưa đánh giá được”.
Lưu ý rằng công tác phòng chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính quyền, tư pháp, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác này như thế nào, đã làm hết sức chưa? Các lực lượng này có tiêu cực không? Vai trò của Ban Chỉ đạo PCTN cũng chưa được đề cập đến ở đây”. Sau khi nghe đại diện cơ quan soạn thảo, thẩm tra giải trình, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh: “Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ Chính phủ là đầu mối báo cáo về công tác PCTN trong phạm vi cả nước”.
Tiếp lời Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tâm tư: “Nếu không nói rõ được chuyện có lực lượng nào can dự vào chuyện xử án tham nhũng hay không, bao nhiêu vụ, đến mức độ nào thì lòng dân không yên. Đến cán bộ trung ương như tôi cũng còn băn khoăn. Tại sao dân thường phạm tội đến 2 triệu đồng là thành án, mà có những cán bộ nhà nước vi phạm hàng trăm tỷ đồng lại hưởng án treo? Ở đây có dấu hiệu nghi vấn cao về tham nhũng”.
Cho biết, ông có nhiều thông tin về việc lãnh đạo các địa phương có nhà đất ở thành phố lớn, “đợi đến về hưu sẽ dùng”, ông nói: “Tại sao cứ đi “đánh” ở những đâu đâu, cứ xoáy sâu vào đây sẽ được cá lớn”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc còn đề nghị học tập cách làm của Ban Kiểm tra trung ương, cứ 3-4 tháng một lần công bố công khai tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng để lấy lại lòng tin của cán bộ, nhân dân.
ANH PHƯƠNG