Công nghệ mới tiếp sức mạnh mẽ cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số là một trong những xu hướng phát triển chung của hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên thế giới trong thời đại công nghệ 4.0. Tại Việt Nam, công nghệ số đã được nhiều DN đưa vào hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Đây là thông tin tại hội thảo “Bứt phá chuyển đổi số - Giải đáp về thị trường và pháp lý” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức. 

Các giải pháp căn cơ 

Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, gần đây vấn đề chuyển đổi số luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan nhà nước. Nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhanh chóng, toàn diện. Ở cấp Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo. DN là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay. Dịch Covid-19 là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi.

Tại TPHCM, UBND TP đã xây dựng chương trình chuyển đổi số và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện của chính quyền và DN. Trong nội bộ các tổ chức, DN và cơ quan nhà nước cũng khuyến khích có chính sách tự thay đổi, tự chuyển hóa để tiếp cận gần hơn với nền kinh tế hiện đại. 

Hạn chế rủi ro từ tranh chấp

TS Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia công nghệ thông tin thuộc VIAC, cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là việc ứng dụng công cụ công nghệ thông tin mà còn phải chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, sang kinh tế chia sẻ. Ông Hoa đưa ra những ví dụ cụ thể cho quá trình chuyển đổi số ở từng lĩnh vực, ngành nghề như trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, môi trường, y tế… Quá trình chuyển đổi số luôn cần đến sự kiên kết, hợp tác. Kết quả chuyển đổi số sẽ là sự thanh lọc, chỉ những DN giỏi hay các chuỗi liên kết có sức mạnh cạnh tranh cao mới có thể tồn tại và phát triển ổn định.

Công nghệ mới tiếp sức mạnh mẽ cho doanh nghiệp ảnh 1 Thiết kế mạch điện thoại di động tại doanh nghiệp trong KCX Linh Trung, thành phố Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT, có 7 lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi sau dịch Covid-19, đó là làm việc trực tuyến, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, các phương tiện lái tự động, mua sắm trực tuyến, tổ chức sự kiện, hội chợ triển lãm ảo trên không gian mạng thay vì tổ chức trong đời thực. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, đưa ra những phác thảo kinh tế trong năm 2021 về sự bùng bổ của chuyển đổi số và thách thức trên thị trường mới. Theo ông Dũng, làn sóng tiêu dùng Go Online đang rất lớn và DN phải nhanh chóng thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng này. Thương mại điện tử ngày càng phổ biến, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa và trải nghiệm mua sắm, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng.

Do vậy, có môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. Bên cạnh việc thương lượng, giải quyết khiếu nại thì hòa giải trực tuyến là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.

Từ góc độ pháp lý, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC, khuyến cáo, có những thay đổi quan trọng mà DN cần lưu ý trong quản trị rủi ro và giải quyết tranh chấp trực tuyến tại Việt Nam hiện nay, cũng như những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong giao dịch thương mại điện tử và có đánh giá chi tiết về mối quan hệ 3 bên giữa nhà cung cấp - nhà sản xuất - người tiêu dùng. Cần làm rõ những điều kiện chung trong phương thức giải quyết tranh chấp và cập nhật xu hướng giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Từ đó, đúc kết rõ ràng để DN có định hướng khắc phục, hạn chế rủi ro, xử lý tranh chấp khi tham gia giao dịch trong bối cảnh kinh tế số. Ngày 31-3, Trung tâm Hòa giải Việt Nam thuộc VIAC đã giới thiệu MedUp - nền tảng hòa giải trực tuyến, giải pháp công nghệ đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa DN với người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục