Bà Raula theo dõi sức khỏe của tất cả các em dưới 6 tuổi, kiểm tra cân nặng, phát triển của trẻ, đảm bảo các em được tiêm chủng đầy đủ; đưa ra những lời khuyên cho các bà mẹ và phụ nữ đang mang thai về những dịch vụ y tế cơ bản mà họ được hưởng; khuyến khích họ thường xuyên ghé Anganwadi.
Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của người phụ nữ 52 tuổi này là ghi chép số liệu, thống kê và báo cáo về cơ quan quản lý y tế địa phương để cơ quan này tổng hợp, báo cáo lên chính phủ. “Tôi theo dõi sức khỏe cộng đồng dân cư của 5 ngôi làng với khoảng 300 hộ gia đình, trong đó hơn 80% số hộ thuộc diện nghèo. Không có Anganwadi, những đứa trẻ sẽ không thể có đủ dinh dưỡng để phát triển”, bà Raula nói. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới cho biết Ấn Độ đứng thứ 4 thế giới về số người trong độ tuổi lao động bị còi cọc. 66% trong số này bị suy dinh dưỡng khi còn nhỏ. Trong khi đó, khảo sát sức khỏe gia đình quốc gia giai đoạn 2015-2016 cho thấy dù tỷ lệ trẻ còi cọc ở Ấn Độ có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao là 38,4%.
Với việc gần 1,3 triệu nhân viên y tế cộng đồng được trang bị thiết bị di động thông minh, những tín hiệu tích cực ban đầu trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng ở Ấn Độ đã xuất hiện. Trong một hội nghị diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Phát triển bà mẹ và trẻ em Ấn Độ Maneka Gandhi thông báo họ đã có trong tay danh sách 12.000 trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và thường xuyên được cập nhật tình trạng sức khỏe, chế độ chăm sóc dinh dưỡng của những bé này. Đưa công nghệ vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Ấn Độ hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ trong thời gian tới để các thế hệ tương lai của quốc gia Nam Á này thực sự là những mầm non khỏe mạnh.