Dịp cuối năm nay, khi sản xuất kinh doanh còn khó khăn, không phải doanh nghiệp (DN) nào ở TPHCM cũng có nhiều đơn hàng để công nhân (CN) làm tăng ca, kiếm thêm chút thu nhập lo tết. Trong khi đó, một số DN nhận được nhiều đơn hàng, có muốn tăng ca nhiều hơn quy định cũng không dám vì e đối tác phát hiện sẽ hủy hợp đồng. Ít được tăng ca ở DN, CN đã tự tăng ca, xoay xở đủ việc làm thêm hầu mong có cái tết được tươm tất hơn.
Mẹ con cùng làm
Khuya, phòng trọ số 1 trong dãy nhà trọ tại số 74 Lô Tư, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân vẫn sáng đèn. Bên trong, chị Nguyễn Thị Hồng (quê Nghệ An) và nhóm bạn thoăn thoắt gắn nụ cho cành bông huệ giả. Từ tháng 11-2013 đến nay, Công ty may Đại Quang (quận Bình Tân), nơi chị Hồng đang làm việc không tăng ca nhiều nữa. Thu nhập ở DN mỗi tháng chừng 3,5 triệu đồng, ngày thường đã căng kéo, nên tết nhất chưa biết tiêu khoản nào, bớt khoản nào? Từ đó, chị Hồng xoay qua nhận gia công bông giả, mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều trong những ngày xuân.
Chị Hồng cho biết, mỗi nhành, người kết ở khâu gắn nụ như chị được trả công 600 đồng. Công việc đơn giản nhưng ngồi miết, ai nấy đều ê ẩm cả người, cả đêm còng lưng, mờ mắt ngồi kết bông mới được khoảng 20.000 đồng. “Thôi kệ, ít nhưng được đồng nào chắc đồng nấy” - chị Hồng tự an ủi. Ông Võ Văn Đỡ, chủ khu nhà trọ số 74 Lô Tư cho biết thêm, hiện có nhiều CN trong khu nhà trọ, ngoài giờ làm cũng tất bật làm thêm như chị Hồng để có thêm chút tiền về quê trong thời điểm khó khăn chồng chất này.
Gần đó, trong khu nhà trọ số 65B Lô Tư, quận Bình Tân, mỗi bước chị Trịnh Nhã Phương di chuyển là cậu con trai nhỏ quấn một bên chân. Hai con trai còn quá nhỏ mà không có chỗ gửi trẻ nên chị Phương vừa nghỉ làm ở Công ty may Trịnh Dương (đóng trên địa bàn phường) để chăm con. Thương một mình chồng bươn chải lo cả gia đình, chị Phương tranh thủ nhận hàng may mặc về vắt sổ buổi tối. Phòng trọ vốn chật, giờ lại phải nhín một góc để kê máy và chứa đồ, vì thế lại “ăn” vào khoảng không hạn hẹp vui chơi của hai bé. “Tính làm thêm buổi tối nhưng buổi tối mẹ chong đèn làm, máy may chạy xè xè thì con đâu có ngủ được, lại nhẽo nhẽo ở bên. Tội các bé, mẹ làm mà hóa các bé cũng… làm. Nhưng phải ráng thôi” - chị Phương tâm sự.
Ngồi chơi mệt hơn tăng ca
Anh Nguyễn Phước Bảo Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Danu Vina (KCX Linh Trung), bồn chồn: “Cuối năm, CN muốn được tăng ca để có thêm khoản tiền về quê. Nhưng CN muốn làm, DN muốn làm nhưng… không được”. Anh Huệ cho biết, theo quy định không được tăng ca quá 200 giờ trong một năm, tính ra, trung bình mỗi ngày chỉ được tăng ca khoảng 1 giờ. Nhiều DN khác có thể gian lận, riêng công ty anh để có những bạn hàng lớn, có đơn hàng lớn, DN phải đạt được các chứng chỉ rất “ngặt”. Theo các chứng chỉ ấy, bắt buộc camera phải hoạt động liên tục quay cả cổng vào, cổng ra. Bạn hàng không bao giờ cho tắt camera, họ luôn kiểm tra camera bất cứ lúc nào, lại yêu cầu lưu giữ băng hình suốt 90 ngày. Được giám sát suốt như thế, DN muốn tăng ca nhiều cũng không được và cũng không thể nào làm giả giấy tờ để tăng ca nhiều được. Vì thế, dù đơn hàng có song CN ngày nào cũng chỉ tăng ca được 1 giờ/ngày.
“CN chúng tôi trăn trở, thà được tăng ca, tất bật nhưng ai nấy còn phấn chấn là có khoản tiền lo tết. Chứ không, nằm thườn ở phòng trọ lo lắng còn mệt hơn là tăng ca” - anh Huệ chia sẻ. Anh Huệ cho biết, không được tăng ca nhiều nên CN ở công ty đã đi làm thêm bên ngoài, nhận hàng về nhà may để có thêm thu nhập. Tương tự, CN Công ty Yesum Vina (KCX Linh Trung) cho biết, CN cũng phải tự tăng ca vì DN bị giám sát rất chặt, không tăng ca nhiều, e vi phạm quy định sẽ mất bạn hàng. Đó cũng là tình cảnh ở nhiều DN khác trong các KCX-KCN và nhiều CN sau giờ làm cũng lại tất bật đi làm thêm: phụ bán quán, chạy xe ôm, trông tiệm net đêm, bán hàng tại các chợ cóc đêm…
Theo Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp TPHCM, gần 86% CN phải làm thêm giờ mới đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Qua khảo sát, hơn 35% CN phải làm thêm mỗi ngày từ 1 - 2 giờ, hơn 30% CN làm thêm từ 3 - 4 giờ mỗi ngày. Trong một năm, gần 32% CN làm thêm dưới 200 giờ, gần 40% CN làm thêm từ 200 - 300 giờ và gần 25% CN làm thêm trên 300 giờ. |
ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP