Công trình báo chí dữ liệu của Báo SGGP: Ghi dấu hành trình 50 năm TPHCM

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và 50 năm Ngày Báo SGGP xuất bản số báo đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2025), ngày 23-4, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) chính thức ra mắt công trình báo chí dữ liệu “TPHCM 50 năm: Những dấu ấn tự hào qua trang Báo Sài Gòn Giải Phóng”.

Sự kiện là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tờ báo; là minh chứng sống động cho vai trò tiên phong của Báo SGGP trong việc lưu giữ và tái hiện hành trình phát triển của TPHCM trong nửa thế kỷ qua.

Anh3-2-5. Báo chí dữ liệu 1.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường cùng Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện nghi thức ra mắt công trình báo chí dữ liệu. Ảnh: LÊ MINH

Chuyển tải hành trình phát triển TPHCM qua trang báo

Công trình báo chí dữ liệu của Báo SGGP là kết quả của việc hệ thống hóa thông tin từ khoảng 17.000 số báo được xuất bản kể từ ngày 5-5-1975. Đây là nguồn tư liệu quý giá, được ví như “người thư ký của thời đại”, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, những thăng trầm cùng thành tựu của TPHCM trong công cuộc tái thiết và phát triển sau chiến tranh. Từ niềm vui náo nức của người dân TP Sài Gòn - Gia Định trong những ngày đầu giải phóng, đến những khó khăn của Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định trong việc khôi phục an ninh trật tự và tái thiết đô thị, tất cả đều được phản ánh sinh động qua từng trang báo SGGP, được chọn lọc và chuyển tải qua công trình này.

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP, chia sẻ thêm, những ngày đầu sau giải phóng, Báo SGGP đã ra số đầu tiên và ghi lại hình ảnh một Sài Gòn ngổn ngang với những tàn tích của chiến tranh. Từ việc khôi phục an ninh, ổn định đời sống, đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đầu tiên, tất cả đều được phản ánh chân thực qua ngòi bút của những người làm báo SGGP. Trong những thập niên tiếp theo cho đến nay, tờ báo tiếp tục đồng hành cùng TPHCM qua các giai đoạn đổi mới, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Các bài viết về Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng hay những công trình hạ tầng tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho TPHCM như cầu Sài Gòn, đại lộ Nguyễn Văn Linh, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên… đều là minh chứng cho tinh thần tiên phong và khát vọng vươn lên của thành phố.

Ngoài ra, từ thông tin được hệ thống lại trong công trình, độc giả cũng có thể nhìn lại 11 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM, với những quyết sách mang tính bước ngoặt, những công trình trọng điểm làm thay đổi diện mạo thành phố và những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác. Điểm nhấn đặc biệt của công trình nằm ở việc toàn bộ dữ liệu được chọn lọc trực tiếp từ kho tư liệu nội bộ của Báo SGGP, thay vì phải thu thập từ các nguồn bên ngoài.

Công trình sử dụng các công cụ AI để số hóa, phân tích và trình bày dữ liệu, từ chuyển văn bản thành âm thanh, khôi phục các trang báo bị hỏng, đến nhận diện đặc trưng hình ảnh và tìm kiếm nhanh thông tin. Công trình được trình bày dưới nhiều hình thức đa phương tiện như Longform, Infographic và video, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin và trải nghiệm.

CN3-Mã QR báo chí dữ liệu.jpg

Độc giả có thể truy cập công trình tại địa chỉ https://www.sggp.org.vn/50nam hoặc truy cập theo mã QR.

Minh chứng về vai trò của Báo SGGP

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cái tên “Sài Gòn Giải Phóng” không chỉ xuất hiện trong các bài viết hay diễn văn chính thức mà còn len lỏi vào đời sống thường nhật của người dân. Tại TPHCM, nhiều quán cà phê đã dùng những tờ báo SGGP cùng với cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng trang trí không gian quán để hưởng ứng ngày thống nhất đất nước. Những trang báo với măng-sét có dòng chữ “Sài Gòn Giải Phóng” tại những nơi này vừa giúp gợi nhắc về một thời hào hùng, vừa khơi dậy niềm tự hào về hành trình phát triển của TPHCM. Trải nghiệm thú vị tại “quán cà phê yêu nước” - cách mà giới trẻ gọi - trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), anh Phạm Thanh Phong, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết: “Tên tờ báo là Sài Gòn Giải Phóng, còn ngày 30-4 hay được nhiều người gọi là “giải phóng Sài Gòn”. Hai chủ thể có sự liên kết sâu sắc nên tôi thấy chủ quán thật tinh tế khi sử dụng tờ báo để trang trí cho quán trong dịp lễ này”.

CN3 web p1.jpg
CN3 web p2.jpg

Còn chị Phan Mỹ Trang (ngụ quận Bình Thạnh) được “đọc ké” Báo SGGP từ bà nội, đã không còn xa lạ với tờ báo của Đảng bộ TPHCM. Vì vậy, khi nghe giới thiệu về công trình báo chí dữ liệu của Báo SGGP, chị Mỹ Trang rất hào hứng tìm hiểu. Theo chị, đây là nguồn tư liệu quý, chứa nhiều thông tin hữu ích từ những ngày đầu giải phóng Sài Gòn. “Với nguồn dữ liệu tích lũy trong 50 năm qua, công trình báo chí dữ liệu ra mắt đúng dịp 30-4 càng cho thấy sự sáng tạo và khác biệt của Báo SGGP”, chị Mỹ Trang nhận xét.

Cũng trong những ngày tháng 4 lịch sử, ông Đào Xuân Lãm (ngụ quận 11, TPHCM) cùng đoàn cán bộ hưu trí nguyên là học viên Học viện An ninh nhân dân đến từ nhiều tỉnh, thành có chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh), đã có nhiều cảm xúc và trải nghiệm thú vị khi ghé quán cà phê Nép ở TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Trong không gian quán được trang trí bằng những tờ báo SGGP và những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ, các thành viên trong đoàn xúc động, vỡ òa hạnh phúc. “Sự hiện diện của Báo SGGP trong không gian này là sự tôn vinh quá khứ; đồng thời là minh chứng cho sức sống bền bỉ của tờ báo trong lòng công chúng và bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước”, ông Đào Xuân Lãm chia sẻ. Ông nhận định, Công trình báo chí dữ liệu ra mắt đúng dịp 30-4 càng cho thấy sự khác biệt của Báo SGGP, mang đến cho độc giả thêm thông tin toàn diện, chân thực và giàu cảm xúc về lịch sử TPHCM.

Đồng chí NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM (phát biểu tại buổi ra mắt công trình):

Sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa

Công trình của Báo SGGP đã tập hợp nhiều tư liệu quý giá được Báo tích lũy, lưu trữ từ những số báo đầu tiên đến nay. Sự sáng tạo đó tạo nên một ấn phẩm ý nghĩa đối với bạn đọc, vừa tạo ra nguồn tư liệu và dữ liệu có giá trị, phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, tổng hợp. Các nguồn tư liệu từ công trình đáp ứng rất tốt yêu cầu tổng kết và đúc kết về mặt lý luận, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị chung của thành phố. Qua đó, hỗ trợ các cơ quan giúp việc của Thành ủy TPHCM thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tôi tin tưởng và kỳ vọng, từ kết quả cụ thể và đầy ý nghĩa của công trình, Báo SGGP tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong lộ trình chuyển đổi số báo chí.

Nhà báo NGUYỄN KHẮC VĂN

Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP:

Truyền cảm hứng phát triển TPHCM

Công trình báo chí dữ liệu “TPHCM 50 năm: Những dấu ấn tự hào qua trang Báo Sài Gòn Giải Phóng” là món quà ý nghĩa mà Báo SGGP gửi tặng đến độc giả nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công trình cũng là bước khởi đầu trong hành trình số hóa toàn bộ kho tư liệu của Báo SGGP. Với sự hỗ trợ của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), Báo SGGP đang từng bước khôi phục, phân tích và trình bày dữ liệu theo những cách thức mới mẻ, đáp ứng xu hướng chuyển đổi số của báo chí hiện đại. Chúng tôi đặt mục tiêu, từ sự kết hợp giữa kho tàng tư liệu độc quyền của Báo với công nghệ AI hiện đại và tinh thần sáng tạo, Báo SGGP nỗ lực viết tiếp câu chuyện của mình. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm và truyền cảm hứng trong việc đồng hành cùng TPHCM phát triển bền vững, trở thành một đô thị toàn cầu, đáng sống.

Tin cùng chuyên mục