Nhằm đảm bảo cung cấp điện mùa khô cho TPHCM, công trình đường dây 220kV Cầu Bông - Củ Chi (TPHCM) đã được khởi động từ tháng 6-2013. Nhưng theo phản ánh của một số hộ dân ở huyện Củ Chi có diện tích đất bị giải tỏa thực hiện công trình, mặc dù người dân sẵn sàng giao đất, nhưng 8 tháng đã trôi qua, tất cả vẫn còn… trên giấy.
Dân đồng tình ủng hộ
Công trình này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến đóng điện vào ngày 30-4-2014. Khi hoàn tất và đưa vào vận hành sẽ đưa khai thác tải từ đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông về tăng cường nguồn điện cho khu vực Tây Bắc Củ Chi, Trảng Bàng và một phần huyện Hóc Môn. Với công trình này, trong năm 2014 ngành điện sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng tối đa nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân TPHCM. Đường dây dài 23km được xây dựng đi qua địa bàn 5 xã của huyện Củ Chi gồm: Tân Phú Trung, Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông, Phạm Văn Cội và Nhuận Đức, với 78 móng trụ (diện tích tổng cộng 23.429m²) và tổng diện tích bị ảnh hưởng trong hành lang an toàn lưới điện là 708.482m².
Việc bồi thường đất cho dân để xây dựng vị trí 78 móng trụ đã được triển khai, người dân được thông báo cụ thể và 2/3 hộ dân đã đồng thuận. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ấp Cây Da (xã Tân Phú Trung, nơi có đường dây đi qua) cho biết: “Các hộ dân trong ấp có đất trong phạm vi công trình đều đồng thuận hết”. Anh Lâm Chí Quang (ngụ ở 189 đường Hồ Văn Tắng, ấp Cây Da) kể: “Khu đất của gia đình tôi có 2.200m² nằm trong hành lang an toàn lưới điện, trong đó 505m² phần móng trụ. Khi được mời bàn về việc giải tỏa bồi thường là gia đình tôi chấp nhận liền. Công trình nhà nước, nhất thiết phải làm cho dân, mình cũng nên ủng hộ. Còn giá đền bù thì ai sao mình vậy, thật tình cũng mong được đền bù kha khá cho đỡ một chút, nhưng chẳng hiểu sao đến giờ này vẫn chưa nghe nói gì cả!”. Ông Huỳnh Văn Nị, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, cho hay: “Toàn xã có 39 hộ có đất bị ảnh hưởng, phải giải tỏa đền bù, đến nay 34 hộ đã đồng thuận, chỉ còn 5 hộ phải thương thảo thêm. Nhìn chung người dân đồng ý, hầu như không gặp khó khăn gì”.
Nhưng tiền đền bù chưa đến dân
Ông Lê Viết Toản, Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện (thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM), lo lắng: “Tiền đền bù đã có sẵn, nhưng huyện Củ Chi lại chưa duyệt phương án bồi thường”. Theo đó, trong tổng số 78 móng trụ có 54 vị trí móng người dân sẵn sàng giao mặt bằng để thi công, còn 24 vị trí còn lại dân chưa đồng ý do huyện chưa công bố phương án bồi thường. Về hành lang an toàn lưới điện, có 1.158 thửa đất bị ảnh hưởng, trong đó đã kiểm kê được 605 thửa, vẫn còn 136 thửa chưa được kiểm kê. Thậm chí, vật tư thiết bị đã nằm sẵn trong kho mấy tháng nay, chỉ chờ dân giao mặt bằng là thi công ngày đêm để kịp đóng điện”.
Vì sao tiền đền bù chưa đến dân? Trả lời chúng tôi, ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, giãi bày: “Hiện có 3 công trình điện cấp quốc gia nằm trên địa bàn huyện, trong khi nhân sự ban bồi thường chỉ có 42 người nên “làm không xuể”. Nếu Sở TN-MT sớm trình TPHCM ban hành quyết định thu hồi đất của 5 đơn vị nhà nước bị ảnh hưởng trong dự án là huyện sẽ phê duyệt phương án đền bù ngay”. Nói về nguyên nhân chậm trễ, ông Huỳnh Văn Liêm, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, cho biết: Phần móng trụ, huyện đã làm cơ bản, chỉ chờ TP ban hành quyết định thu hồi đất. Phần hành lang an toàn lưới điện còn 136 thửa chưa được kiểm kê, do đất sang tay qua nhiều người. Chúng tôi đang xây dựng phương án hỗ trợ nhiều đợt để tiến độ sẽ nhanh hơn”.
Là công trình trọng điểm cho mùa khô năm 2014, nhưng qua gần 8 tháng triển khai vẫn chưa tới đâu, chủ đầu tư như ngồi trên lửa, dân cũng nôn nao chờ tiền đền bù. Thời hạn đóng điện chỉ còn hơn 2 tháng, liệu có kịp không? Trả lời câu hỏi này, ông Tấn khẳng định: “Huyện cam kết ngày 25-2 sẽ phê duyệt phương án đền bù và đến ngày 30-4 mà dân đồng thuận là chi trả tiền ngay!”. Còn ông Liêm cũng khẳng định: “Ngày 30-3 sẽ cơ bản xong phần hành lang tuyến để ngành điện có thể triển khai thi công”. Một tháng để thi công 78 móng trụ và 23km đường dây? “Phải làm ngày làm đêm thì may ra có thể kịp đóng điện” - ông Lê Viết Toản nói. Tất cả chỉ còn trông mong vào những lời cam kết được thực hiện.
THƯ LÊ