Công trình giữ gìn thi hài Bác Hồ. Bài 2: Ở công trình 75A và K 84

Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài giao một bức thư ngắn giới thiệu tôi đến Viện Quân y 108 làm việc với bác sĩ chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh lý Nguyễn Gia Quyền. Tôi đoán là sắp nhận một công trình quan trọng gì đây…
Công trình giữ gìn thi hài Bác Hồ. Bài 2: Ở công trình 75A và K 84

Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài giao một bức thư ngắn giới thiệu tôi đến Viện Quân y 108 làm việc với bác sĩ chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh lý Nguyễn Gia Quyền. Tôi đoán là sắp nhận một công trình quan trọng gì đây…

Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền dẫn tôi sang khu nhà xác của Bệnh viện Đồn Thủy nằm kề phía sau nhà tang lễ cũ. Sát tường nhà tang lễ, ở hai bên có 2 hành lang đi vào nhà xác. “Cơ sở làm việc của khoa chỉ có thế này thôi, bây giờ mình muốn có một buồng kín nhỏ đủ cho một vài người làm việc với một cái bàn như thế này!”, ông Quyền vừa nói vừa chỉ vào một cái giường sắt, trên đậy một cái lồng bàn đang giữ xác người mới mất.

Tôi đi ra hành lang quan sát và suy nghĩ, bất giác nảy ra ý định: dùng luôn cái hành lang này mà cải tạo! Đề xuất đó được chủ nhiệm khoa chấp nhận. Trở về cơ quan, tôi giao nhiệm vụ cho các anh: Lam Sinh, kỹ sư xây dựng, làm thiết kế cải tạo, Bùi Danh Chiêu, kỹ sư thông gió, làm phương án điều hòa không khí, Phạm Hoàng Vân, kỹ sư điện nước, lo thiết bị điện nước phục vụ công trình.

Ngay hôm sau, 4 anh em tới hiện trường đo đạc, vẽ phác đồ cải tạo lên mặt đất tại chỗ để bàn phương án - Hành lang bên phải nhà tang lễ đáp ứng được kích thước của căn buồng: chiều dài 3m, rộng 2m - Còn chiều cao? Hành lang cao trên 4m, chúng tôi thống nhất chỉ đến 2,5m là đủ.

Thiết kế đã được thống nhất: căn buồng có dung tích 15m³ (2m x 3m x 2,5m = 15m³), đủ chỗ đặt một cái giường, vài người làm việc đứng quanh, chỗ đặt máy và làm bảo ôn. Chúng tôi thiết kế cải tạo căn buồng, đặc biệt chú ý đến việc bảo ôn 2 bức tường tiếp giáp mặt ngoài và trần nhà để giữ được nhiệt độ ít thẩm thấu ra ngoài, bảo đảm được sự ổn định của nhiệt độ trong phòng.

Người lo lắng nhất là Bùi Danh Chiêu vì thí nghiệm vừa rồi dung tích chỉ 2m³, còn ở đây dung tích gấp 7,5 lần. Công suất máy cao hơn nhiều lần, lấy đâu ra máy và điều chỉnh đến bao giờ mới đạt được thông số nhiệt, ẩm như đã thành công ở 14B Lý Nam Đế (Hà Nội).

Bộ phận kỹ thuật công trình, những người đầu tiên được viếng Bác tại Hội trường Ba Đình (từ trái sang - hàng trái: Trần Bá Đặng; Bùi Danh Chiêu và một số nhân viên kỹ thuật - Hàng phải: Nguyễn Trọng Quyển, Nguyễn Lam Sinh và một số nhân viên kỹ thuật).

Bộ phận kỹ thuật công trình, những người đầu tiên được viếng Bác tại Hội trường Ba Đình (từ trái sang - hàng trái: Trần Bá Đặng; Bùi Danh Chiêu và một số nhân viên kỹ thuật - Hàng phải: Nguyễn Trọng Quyển, Nguyễn Lam Sinh và một số nhân viên kỹ thuật).

Phương án cải tạo được Phó tư lệnh nhanh chóng thông qua. Lực lượng thi công công trình mật được điều đến. Phó tư lệnh động viên: “Đây là một công trình rất quan trọng, yêu cầu hoàn thành gấp, càng nhanh càng tốt nhưng phải đạt chất lượng như bên y tế yêu cầu. Các đồng chí đoàn kết, ủng hộ nhau mà làm cho tốt. Bộ tư lệnh tin sẽ thành công vì đã kinh qua công trình thử nghiệm, hãy tự tin mà làm!”.

Đây chỉ là một công trình nhỏ với dung tích 15m³ nhưng là một công trình cải tạo trên một không gian quá hẹp nằm giữa gian nhà tang lễ và buồng giải phẫu bệnh lý (mổ xác) - vẫn đang làm việc bình thường. Để giữ bí mật tuyệt đối, bộ đội chỉ thi công khi không có lễ tang hoặc vào ban đêm…

Ở công trình mới, công việc đặt máy và điều chỉnh để có được thông số nhiệt, ẩm theo yêu cầu, lần này dù trong một môi trường khác, dung tích gấp 7,5 lần nhưng chúng tôi đã nắm được các bí quyết trong kỳ thử nghiệm vừa qua, nên đã thực hiện thành công: nhiệt độ, ẩm độ ổn định gần như tuyệt đối. Kết quả thử nghiệm vừa rồi đã được ứng dụng thành công ở công trình quan trọng có mật danh 75A này.

Ngày 3-9, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa thông báo của Trung ương và Chính phủ cho nhân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Tại Hội trường Ba Đình, những người có trách nhiệm tổ chức lễ quốc tang đều có mặt. Thế là mọi sự chuẩn bị được tiến hành trong âm thầm, lặng lẽ và tuyệt đối bí mật từ lâu, nay đã vỡ òa…

Ngày 10-9-1969, trong khi lễ truy điệu đang diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, tôi nhận được lệnh cùng Phó tư lệnh lên Đá Chông (mật danh là K9).

Đá Chông là một vùng đồi núi, cây cối rậm rạp, thỉnh thoảng lại nhô lên một cụm đá nhọn như chông. Đồi cao Đá Chông nằm sát ngay bờ sông Đà chảy từ Hòa Bình về Việt Trì, Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 60km, xa đường giao thông chính, xa các khu dân cư, rất có lợi cho việc bảo đảm bí mật. Sinh thời, Bác thường lên Đá Chông vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa làm việc. Ở K9 có nhà ở, có hầm ngầm kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, xây dựng công trình mới.

Trong cuộc họp ở Đá Chông ngày 10-9-1969, tôi được thủ trưởng bộ giao phụ trách công trình cải tạo K9 thành công trình giữ gìn lâu dài thi hài Bác. So với các công trình trước đây, khối lượng công việc ở Đá Chông lớn gấp nhiều lần và đa dạng hơn. Thời gian quy định chỉ trong 3 tháng, cụ thể phải hoàn thành vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập QĐND VN 22-12-1969.

Việc cải tạo K9 thành một công trình bảo quản thi hài Bác lâu dài mang mật danh K84 (K84 = K9 + 75) gồm một số công trình ngầm và nổi cần được cải tạo. Với công trình ngầm phải phá đi xây lại nhiều chỗ. Trước đây hầm ngầm là một công trình tránh bom đạn, nơi Bác trú ẩn, cho nên nóc hầm có một tấm tăng cường bằng bê tông cốt thép rất dày, có thể chống bom 3.000 bảng.

Hầm này được xây dựng từ năm 1965 khi chiến tranh phá hoại lan tới Hà Nội. Phải cải tạo căn hầm để đặt máy điều hòa, cải tạo cửa để quay giường thi hài đưa vào trong hầm. Như vậy là phải phá nguyên khối bê tông cốt thép dày 1,2m mà không được làm hỏng các công trình liên quan. Chúng tôi bàn phương án giải quyết. Vì không được gây tiếng nổ để giữ bí mật khi bóc lớp đất đá phía trên nóc hầm, phải đào một khoang giếng, sâu khoảng trên 3m. Lúc đáy giếng chạm vào khối bê tông cốt thép, bắt đầu dùng khoan tay khoan từng mũi, cứ 5cm² khoan một mũi, khoan liên tục 24/24 giờ.

Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 259 công binh, do đồng chí Trần Sĩ Yêm chỉ huy, đảm nhận thi công. Vì thời gian cấp bách, chúng tôi thiết kế đến đâu anh em làm đến đấy. Có những chi tiết chưa kịp vẽ, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn cho anh em ngay tại hiện trường… Tính ra các chiến sĩ công binh đã khoan tất cả 1.800 mũi tạo điều kiện để phá nóc hầm bằng xà beng, búa, đục.

Các cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia kỹ thuật tham gia công trình Đá Chông, đều phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc bảo mật “không gây tiếng nổ, không lộ ánh sáng, không liên lạc với người ngoài (kể cả người thân)”. Điều kiện ăn ở của anh em hết sức kham khổ. Một lần, các ông Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu, Phùng Thế Tài, Vũ Văn Cẩn lên kiểm tra tiến độ công trình, qua chỗ bộ đội đang ăn cơm. Thấy mỗi người chỉ 1 bát con, còn lại toàn bánh bột mì cứng đơ. Ông Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Quân y, xót xa: “Bộ đội chỉ ăn thế này mà lao động suốt ngày thì không ổn đâu!”…

Công trình nổi gồm một buồng lớn hơn 75A nhiều lần là buồng đặt thi hài Bác, còn dành để tiếp khách đặc biệt đến viếng Bác trong những ngày lễ lớn. Cách đặt các thiết bị điều hòa, bảo ôn vừa bảo đảm kỹ thuật vừa đạt yêu cầu thẩm mỹ. Cánh cửa cũng là một vấn đề, thật kín để giữ ổn định nhiệt độ lại vừa đẹp. Muốn vào buồng đặt thi hài phải qua một buồng đệm, một cửa kín. Từ buồng đệm có một cửa ngách để xuống hầm ngầm, đưa thi hài xuống hầm ngầm bằng hệ thống thanh trượt dốc có hãm. Khi đưa giường vào thanh trượt, người đẩy giường khẽ giữ bên cạnh giường là vào hầm nhẹ nhàng.

Trong quá trình thi công, mỗi hạng mục công trình đều có những khó khăn phức tạp riêng, nhưng thử thách lớn nhất với bộ phận kỹ thuật vẫn là việc xử lý môi trường vi khí hậu ổn định bảo đảm đúng thông số kỹ thuật theo yêu cầu như lúc Bác nằm ở 75A. Khối tích ở buồng lớn và hầm ngầm lớn gấp 3 lần 75A. Vậy phải có số thiết bị điều hòa gấp 6 lần. Các thiết bị điều hòa làm lạnh từ Liên Xô gửi sang, do sự cố kỹ thuật, đều không sử dụng được. May mắn làm sao: Văn phòng Trung ương Đảng đã có được số máy điều hòa do Đảng Cộng sản Nhật mua hộ. Với số lượng máy lớn, phải bố trí hợp lý nơi đặt máy vừa bảo đảm kỹ thuật, vừa bảo đảm thẩm mỹ.

Nhờ kinh nghiệm ở các công trình trước đây, không những anh em đã tìm được thông số nhiệt, ẩm lý tưởng mà còn thiết kế một hệ thống tự động điều khiển từ xa, không cần người ra vào điều khiển ảnh hưởng xấu tới môi trường. Trong điều kiện sinh hoạt và thi công khó khăn như trên, công trình K84 vẫn được chúng tôi hoàn thành đúng tiến độ.

Đúng đêm 21-12-1969, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ và quân đội đã hộ tống thi hài Bác lên K84 - Đá Chông…

Suốt 6 năm chiến tranh (1969 - 1975), Bác Hồ đã yên nghỉ ở Đá Chông. Cho đến lúc đất nước ta giành được độc lập, thống nhất hoàn toàn, sau khi hoàn thành việc xây Lăng, thi hài Bác được rước về Lăng tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội.

Đến nay, công trình Đá Chông đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, đã mở cửa cho khách trong cả nước đến thắp hương trước bàn thờ Bác, thăm viếng nơi vị cha già yên nghỉ trong những năm tháng chiến tranh, đồng thời để thưởng ngoạn mảnh đất thiêng “sơn thủy hữu tình”.

Năm 2005, bộ phận kỹ thuật tham gia thiết kế và chỉ đạo xây dựng cụm 3 công trình này: 75A, 75B và K84, được tặng Giải thưởng Nhà nước.

Đại tá kỹ sư NGUYỄN TRỌNG QUYỂN, nguyên Chủ nhiệm công trình, kể;
PHAN SĨ QUÁN ghi

Thông tin liên quan

>> Bài 1: 16°C ± 0,1°C và 75% ± 5% 

Tin cùng chuyên mục