Công trình xây dựng bắt buộc phải mua bảo hiểm

Công trình xây dựng bắt buộc phải mua bảo hiểm

Các công trình xây dựng từ 7 tầng trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc. Ngoài ra, mức bồi thường tối thiểu cho trường hợp người lao động bị tử vong với số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng/người/vụ. Đó là một trong những nội dung chính trong dự thảo Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Bắt buộc là cần thiết

Theo dự thảo vừa được Bộ Tài chính công bố, chủ đầu tư (CĐT - hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm bắt buộc khi xây dựng các công trình nhà ở có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng. Cụ thể, ngoài những công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp (danh mục do Chính phủ quyết định hàng năm); công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp (Bộ Xây dựng quy định); công trình có yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…, CĐT phải mua bảo hiểm trong quá trình đầu tư xây dựng thì Bộ Tài chính cũng quy định rõ, các công trình nhà ở riêng lẻ, chung cư, ký túc xá, nhà ở tập thể từ 7 tầng trở lên cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc. Ngoài ra, CĐT các công trình khác từ cấp III trở lên như trụ sở làm việc của các tổ chức, doanh nghiệp; trường học, bệnh viện, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà thi đấu… cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong quá trình xây dựng.

Công trình xây dựng trên 7 tầng sẽ phải mua bảo hiểm xây dựng bắt buộc (Một công trình xây dựng tại quận Bình Tân) (Ảnh: HUY ANH)

Được biết, trước năm 2007, quy tắc, điều khoản, biểu phí về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo Quyết định số 14/2007 và Quyết định số 33/2004 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, từ năm 2007, theo Nghị định số 45/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với các loại hình bảo hiểm bắt buộc. Theo đó, bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc. Đến Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định bảo hiểm xây dựng là bảo hiểm bắt buộc. Chính vì thế, việc sớm có khung pháp lý để triển khai bảo hiểm bắt buộc xây dựng là rất cần thiết.

Không ít CĐT cho rằng, các công trình xây dựng lớn thì việc mua bảo hiểm là điều đương nhiên chứ không cần phải bắt buộc. Theo một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM, các công trình xây dựng nhà ở thông thường thì các CĐT mua bảo hiểm ít tiền hoặc không cần mua bảo hiểm vì rủi ro rất thấp. Còn đối với những công trình lớn, đặc biệt là những công trình nghỉ dưỡng như resort xây gần biển thì các CĐT thường mua bảo hiểm công trình rất cao để phòng ngừa rủi ro. “Thực tế đã có một CĐT đang thực hiện dự án tại vịnh Vạn Hương ở Hải Phòng đã bị bão cuốn trôi vật tư và nếu CĐT này không mua bảo hiểm công trình xây dựng thì tổn thất sẽ rất lớn”, vị này cho hay. Chính vì thế, theo vị này, việc mua bảo hiểm công trình ở mức độ nào, hợp đồng bao nhiêu thì nên tuỳ thuộc vào mức rủi ro của công trình mà CĐT sẽ tự lựa chọn.

Trong khi đó, một vị cán bộ quản lý của Vụ Pháp chế cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định về mua bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng là rất cần thiết. Trong đó quy định về trách nhiệm mua bảo hiểm, điều kiện, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng rất quan trọng, từ đó sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch, góp phần huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm để bảo vệ cho các công trình xây dựng trước các rủi ro không lường trước. Đồng thời, đảm bảo khôi phục tổn thất nhanh chóng, đầy đủ để hoạt động xây dựng được thông suốt, đảm bảo đúng tiến độ thi công công trình khi xảy ra sự cố.

Bảo hiểm cho người lao động

Những năm gần đây, số vụ tai nạn trên các công trình xây dựng liên tục gia tăng, trong đó có nhiều vụ lớn như: sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sập giàn giáo tại Vũng Áng… Trong khi đó thực tế cho thấy, việc mua bảo hiểm công trình được các CĐT chủ động mua ngay cả khi không bắt buộc nhưng việc mua bảo hiểm cho người lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động thì không mấy CĐT thực hiện. Bởi lẽ số tiền mua bảo hiểm sẽ đội thêm khoản chi phí vào công trình, từ đó khả năng cạnh tranh sẽ thấp hơn nên các CĐT, đặc biệt là những CĐT các công trình nhỏ thường không thực hiện. Chính vì chưa quy định mức trách nhiệm bảo hiểm đối với người lao động, dẫn đến nhà thầu thi công mua mức trách nhiệm thấp và khi người lao động gặp rủi ro trong quá trình thi công, việc bồi thường theo trách nhiệm bảo hiểm chưa đủ để bù đắp chi phí y tế tối thiểu và mất thu nhập của người lao động.

Để khắc phục tình trạng này, trong dự thảo Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng này, Bộ Tài chính cũng quy định: Nhà thầu thi công xây dựng phải bắt buộc mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường. Cụ thể, trường hợp người lao động bị thương tích thì mức bồi thường cụ thể cho từng loại tổn thương cơ thể được xác định căn cứ bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Riêng trường hợp người lao động bị tử vong, số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng/người/vụ.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục