Công trình xây dựng trái phép ở Chùa Hương: Huyện xin tiếp tục cho tồn tại (?)

Công trình xây dựng trái phép ở Chùa Hương: Huyện xin tiếp tục cho tồn tại (?)

(SGGPO).- Chiều qua, 21-12, Sở VH-TT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các nhà khoa học kiểm tra thực tế hạng mục Hương nghiêm pháp đường - công trình dư luận đang lên án vì xây dựng không phép - trong Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn (còn gọi là Chùa Hương) thuộc huyện Mỹ Đức để đánh giá mức độ vi phạm và bàn giải pháp xử lý.

Công trình xây dựng trái phép ở Chùa Hương: Huyện xin tiếp tục cho tồn tại (?) ảnh 1

Công trình xây dựng không phép tại Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn

Vừa làm vừa xin phép?
  
Giải trình với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, khẳng định diện tích xây dựng Hương nghiêm pháp đường vốn là khuôn viên của hai dãy nhà nghỉ, nhà trọ gồm 8 nóc nhà cấp 4, xây dựng những năm 70 thuộc sự quản lý của Công ty Du lịch Thắng cảnh Hà Tây trước đây. Tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) bàn giao cho nhà chùa sử dụng vào năm 2000. Khi nhận bàn giao, hai dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhà chùa chưa có kinh phí tu bổ. Năm 2011, nhà chùa có xin phép, BQL Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn có hướng dẫn nhà chùa các thủ tục. Việc xây dựng được tiến hành trong gần 3 năm. Công trình do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế.

Có mặt tại buổi họp, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, phân trần: Xây dựng công trình này, nhà chùa đã làm tờ trình lên UBND huyện Mỹ Đức, được UBND huyện đồng ý cho xây dựng công trình phục vụ di tích, gồm nhà ăn, nhà nghỉ, nhà vệ sinh. Thượng tọa Thích Minh Hiền cũng cho rằng đây là những công trình phụ trợ, không phải là hạng mục đã xếp hạng, không thể nói là xâm phạm di tích.

Các nhà khoa học xót xa

Mục sở thị công trình Hương nghiêm pháp đường, các nhà khoa học, đồng thời đều là thành viên của Hội đồng Di sản quốc gia đều không giấu được cảm giác xót xa.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, chia sẻ, ông là một trong những người ủng hộ Chùa Hương trong việc tôn tạo, xây dựng cảnh quan nhưng công trình xây dựng mới này có quy mô lớn quá, cao quá so với không gian xung quanh nên nhìn rất chướng! Không hề có sự hài hòa giữa những khối kiến trúc cũ và mới.

Theo ông Bài, Chùa Hương không chỉ là danh thắng cấp quốc gia mà tương lai, với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, tâm linh, di tích này còn hướng tới danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt và có thể xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, vì thế cần phải có cách ứng xử với di tích cho xứng tầm.

Phủ nhận quan điểm "công trình phụ trợ" và "không thuộc khuôn viên di tích", PGS.TS Đặng Văn Bài thẳng thắn:  Quan điểm như thế là không đúng, bất cứ công trình nào xây dựng tại đây đều phải xin phép. Ông Bài dẫn chứng, trước đây, khi ông còn làm Cục trưởng Cục Di sản, chính thầy Thích Minh Hiền cũng đã gặp gỡ để xin làm hồ sơ được xây dựng đường từ bến Yến vào tới Thiên Trù… Chùa Hương từng xây dựng nhiều hạng mục phụ trợ và đều được Bộ VH-TT-DL thỏa thuận, do đó có thể khẳng định việc xây dựng trong khuôn viên di tích mà không xin phép là chưa từng có tiền lệ.

Mục sở thị công trình Hương nghiêm pháp đường, các nhà khoa học đều không giấu được cảm giác xót xa

Cùng quan điểm này, GS. Trần Lâm Biền, một trong những người lập hồ sơ xếp hạng Chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn là di tích cấp quốc gia đợt đầu tiên (năm 1962), cũng cho rằng bảo vệ di tích này cần phải xét cả hai phương diện là phần hồn, phần xác và cần phải chú trọng các giá trị văn hóa, tinh thần nơi đây.

PGS. TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cũng cho biết thêm, tuần trước trong lần họp Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã phủ quyết việc xin xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Chùa Hương cũng bởi các lý do: thứ nhất, quản lý yếu kém; thứ hai, xây dựng công trình trái phép kể trên; thứ ba, thực hiện phân cấp quản lý không tốt.

Huyện đề xuất phương án cho tiếp tục hoàn thiện hồ sơ (?)

Tại cuộc họp này, trong khi đại diện các đơn vị chức năng có liên quan như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Nội vụ, Sở VH-TT Hà Nội và đặc biệt là Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL đều khẳng định là công trình xây dựng không phép, vi phạm luật, song ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, lại một mực đề xuất phương án “cho tiếp tục sử dụng và hoàn thiện hồ sơ”.

Dẫn dắt cho đề nghị này, ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng công trình đã hiện hữu rồi, bắt công trình phải xê dịch, chuyển đổi thì… chẳng biết xoay xở thế nào (!)

Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của nhiều người. GS. Trần Lâm Biền chia sẻ: Hương nghiêm pháp đường, công trình quy mô lớn, hai tầng và một gác mái được xây dựng không phép ngay vùng bảo vệ cấp 1 của di sản tại chùa Hương. Pháp luật cần được tôn trọng.

Tại buổi làm việc, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, khẳng định: Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, làm rõ để có đánh giá cụ thể về mức độ sai phạm của công trình Hương nghiêm pháp đường trong thời gian sớm nhất. Sau đó, Sở sẽ xin ý kiến các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, nhằm đưa ra phương án giải quyết tối ưu.

THU HÀ

Thông tin liên quan:

>> Công trình không phép tại chùa Hương: Phớt lờ Luật Di sản văn hóa

>> Công trình kiến trúc lạ ở chùa Hương

Tin cùng chuyên mục