So với năm 2010, năm 2011 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Công ty Cổ phần Thương mại Thực phẩm Bích Chi (gọi tắt là Bích Chi) đạt 52%. Trong đó, hàng cho thị trường xuất khẩu tăng 64%, hàng cho tiêu thụ nội địa tăng 41%, lợi nhuận tăng 75%. Năm 2012, sau 10 năm cổ phần hóa, Bích Chi phấn đấu giữ đà tăng trưởng nhanh, với vốn điều lệ tăng 10 lần và lợi nhuận tăng 12 lần. Đến năm 2015, dự kiến doanh số của Bích Chi đạt 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Phan Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thực phẩm Bích Chi thì để đạt được thành quả trên, công ty đã biết phát huy thương hiệu truyền thống Bích Chi được gầy dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) hàng trăm năm đã nổi tiếng với vùng lúa dồi dào, chất lượng cao. Đặc biệt làng bột lọc Sa Đéc từ lâu đời nay vững mạnh với kinh nghiệm làm bột ngon, bổ dưỡng, chất lượng cao. Và Bích Chi đã tận dụng nguồn nguyên liệu bột lọc này để chế biến ra hàng chục sản phẩm: hủ tiếu, bánh phở, miến, bánh phồng tôm,… đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều đặc biệt là nguồn nguyên liệu bột lọc của Bích Chi được làm ra từ những hạt tấm - phần đầu hạt gạo bị gãy. Đây là phần có bộ phận nảy mầm của hạt mang giá trị dinh dưỡng cao, nên các sản phẩm Bích Chi làm từ nguồn bột lọc này có đặc tính: dai nhưng mềm và có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Nhớ lại những ngày đầu, để lĩnh hội được những tinh túy của nghề chế biến thực phẩm từ nguồn bột lọc này, lãnh đạo của Bích Chi đã đi học tập kinh nghiệm từ những hộ cá thể ở Sa Đéc có truyền thống làm bánh hủ tiếu, bánh phở và các sản phẩm chế biến từ bột lọc. Thậm chí mời những người có tay nghề kinh nghiệm lâu năm, có bí quyết chế biến thực phẩm tuyệt hảo về làm cho Bích Chi. Chỉ một thời gian sau, Bích Chi đã học tập được những bí quyết này, đồng thời tìm tòi cải tiến để cho ra đời những sản phẩm ngoài việc đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, còn thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ,…
Để đáp ứng cho thị trường xuất khẩu, hàng năm lãnh đạo Bích Chi đều có những chuyến đi nước ngoài để đưa hàng tham dự hội chợ. Thăm dò, nhận xét, đánh giá để phát hiện thị hiếu tiêu dùng của từng quốc gia, từng dân tộc. Từ đó đề ra những kế hoạch kinh doanh hướng tới nhu cầu của từng thị trường cụ thể. Ở thị trường Mỹ, ban đầu Bích Chi xuất khẩu bánh phở qua đây nhằm đáp ứng cho nhu cầu của bộ phận Việt kiều nơi đây. Dần dần nhận thấy bánh phở Bích Chi có hương vị thơm, ngon đặc trưng lại bổ dưỡng nên người Mỹ đã dùng bánh phở Bích Chi để chế biến món phở xào. Và Bích Chi đã cải tiến để sợi phở có hương vị phù hợp, bánh phở dai hơn để thích hợp với tập quán dùng nĩa khi ăn của người Mỹ.
Với phương châm “Làm ra những sản phẩm mà thị trường cần”, Bích Chi đã tạo ra được lượt khách hàng truyền thống như: châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc…, Bích Chi đang được thị trường Myanmar, Trung Quốc đón nhận và sắp tới sẽ đi vào thị trường Nhật Bản và Thái Lan. Bích Chi đang đầu tư để mở rộng xưởng sản xuất bánh phồng tôm, bánh tráng. Và tiếp tục đầu tư sản xuất các mặt hàng mới như: muối ớt, gia vị, nước yến để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú và luôn đòi hỏi chất lượng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Biết tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu tại đại phương; nắm vững bí quyết sản xuất ra những sản phẩm đặc trưng; lãnh đạo năng động nắm bắt nhu cầu của từng thị trường; đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Đó là những yếu tố để Bích Chi hoạch định nên chiến lược kinh doanh nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Hoàng Thịnh