Công ty đa quốc gia “nếm mùi”

Những gì có lợi cho người tiêu dùng Mỹ chưa chắc đã mang lại lợi thế cho các tập đoàn khổng lồ của nước này. Kết thúc phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York vào sáng 28-1 (giờ Việt Nam), các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ đã đồng loạt mất giá hơn 1,5% do các nhà đầu tư lo lắng trước kết quả kinh doanh thua lỗ cũng như viễn cảnh kinh doanh ảm đạm của các tập đoàn lớn.

Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn chế tạo và kinh doanh máy móc, thiết bị công nghệ Caterpillar Doug Oberhelman cho biết giá dầu giảm tới 60% kể từ tháng 6-2014 không chỉ tác động mạnh tới lĩnh vực năng lượng của Caterpillar mà còn làm giảm nhu cầu thiết bị xây dựng của công ty này tại thị trường Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự phát triển chậm lại hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Oberhelman còn dự báo năm 2015 sẽ là năm khó khăn đối với công ty này. Kết quả kinh doanh không được như dự báo của tập đoàn phần mềm Microsoft trong năm 2014 cũng đã làm cho cổ phiếu của tập đoàn này giảm tới 9,3%, mức mất giá thảm hại nhất của cổ phiếu Microsoft trong vòng 18 tháng qua…

Kết quả kinh doanh yếu kém của các công ty đa quốc gia không chỉ bắt nguồn từ sự rớt giá thảm hại của dầu, mà còn từ sự lên giá của đồng USD. Chỉ số đồng USD, mức đo tương quan giữa USD với 6 loại tiền tệ lớn khác trên thế giới, đã tăng 17,7% kể từ ngày 30-6-2014. Bên cạnh Caterpillar, Microsoft, phản ứng sau phiên giao dịch đen tối, đại diện nhiều công ty đa quốc gia khác như Procter & Gamble, IBM… đã lên tiếng “cáo buộc” nền kinh tế toàn cầu yếu kém và đồng USD quá mạnh đã hủy hoại mọi lợi nhuận của họ.

Trong khi người tiêu dùng Mỹ có thể dư dả hơn nhờ giá dầu giảm, lãi suất ngân hàng chạm đáy và chuẩn bị cho những chuyến du lịch đến Paris (Pháp) và Rome (Italia) để hưởng lợi thế từ đồng USD, thì nhiều công ty đa quốc gia khổng lồ của Mỹ lại bắt đầu rơi vào cảnh làm ăn trì trệ cũng vì giá dầu và đồng USD. Lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa lâu bền tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới này - đã bất ngờ sụt giảm 3,4% trong tháng cuối cùng của năm 2014, báo hiệu tình trạng yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực chế tạo.

Báo New York Times ngày 27-1 nhận định : “Khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ lên đến mức cao nhất kể từ năm 2007 do giá xăng dầu giảm và tình trạng thất nghiệp được cải thiện đáng kể, thì các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft,  IBM… lại đang bắt đầu sa thải bớt công nhân như một phần của sự thay đổi chiến lược rộng lớn để bù đắp cho sự lỗ lã”.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng danh sách các công ty Mỹ rơi xuống đáy trong năm 2015 sẽ còn dài nữa, trong đó ắt hẳn sẽ có sự gia nhập của các công ty dầu mỏ (bị tổn thương do giá dầu thấp) và các ngân hàng thương mại (đang chịu sức ép từ chính sách lãi suất thấp).

Chiến lược gia độc lập Ed Yardeni cho rằng mặc dù nền kinh tế Mỹ không phải là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, nhưng nhiều công ty lớn của Mỹ lại đang phụ thuộc lớn vào thị trường bên ngoài và chắc chắn sẽ “trúng đòn” của đồng USD quá mạnh (gây bất lợi cho xuất khẩu) bên cạnh sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục