Ba gã trai họ Vũ có khuôn mặt khác nhau, khổ người khác nhau và miền quê cũng khác nhau. Vũ Trụ mặt tam giác, mắt một mí, người ốm nhom đen đúa, quê ở xứ Bắc. Gã Vũ Dũng có vóc người cân đối tự nhiên với khuôn mặt khờ khạo bẽn lẽn như con gái dậy thì, quê ở xứ miền Trung. Vũ Hùng mặt vuông chữ điền, chững chạc mạnh mẽ, quê ở vùng Tây Nguyên.
Ba người học cùng lớp ở khoa chính trị Trường Đại học xã hội và nhân văn. Do cùng họ nên sớm thân nhau. Họ tổ chức lễ kết nghĩa huynh đệ “có nạn cùng chia, có phúc cùng hưởng”. Không có nhang đèn, chỉ có chai rượu đế mấy trái ổi do Vũ Trụ hái trộm ở vườn nhà chủ trọ. Mãi tới ly thứ 8, cả ba mới có dịp đồng thanh hô to: “Xin trời đất chứng giám, ba anh em tôi tuy không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng nếu chết, cho được chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”.
Diễn xuất, tông giọng y hệt như phim kiếm hiệp Hồng Kông. Hô xong cả ba cùng ngã vật ra, ngủ li bì cho đến trưa hôm sau mới tỉnh lại. Theo tuổi, Vũ Hùng nhận làm đại ca, Vũ Trụ làm nhị ca, Vũ Dũng làm tam ca.
Do tự trọng dân tộc, ba sinh viên chính trị loại bỏ cách gọi theo kiểu phim Hồng Kông. Gọi theo cách gọi của Nam bộ. Theo đó, Vũ Dũng gọi Vũ Trụ là anh Ba, gọi Vũ Hùng là anh Hai. Quyền thế gia phong được thiết lập ngay tức thì. Ngày “hạ sơn” lập nghiệp, anh Hai đi trước, anh Ba đi sau, em út đi cuối. Anh Hai cần tỏ rõ oai phong của người đứng đầu, không thể tay xách vai mang được”. Chú Ba mang giúp cho anh cái ba lô”. Cái ba lô hành lý lép xẹp được truyền lại cho phía sau”. Chú út mang đi, thêm của anh nữa, nhẹ hều à!”. Hai cái ba lô được Vũ Dũng tiếp nhận hồ hởi “Có ngay!”. Xem ra, cậu út có sức khỏe hơn người. Ba cái ba lô, một sau lưng, một trước ngực, một đeo vai phải cùng với một cái túi xách to đùng vẫn không làm chàng ta suy giảm phong độ. Lại còn cao hứng hát bài hát tủ của mình. “Em dang tay, em xòe tay. Không thể nào làm tan mây được…”. Một cô gái từ đâu hiện ra, cùng với tiếng nói thanh thoát trữ tình như tiếng chuông báo hết giờ học: “Anh hát hay quá, y như ca sĩ. Bài gì thế anh?”. “Sợi nhớ sợi thương đấy!”. “Anh dạy em đi!”.
Nhạc sư bất đắc dĩ nhiệt tình chỉ dạy. Còng lưng, vươn cổ mà hát “Em dang tay, em xòe tay”. Hổn hển mà hát “Không thể nào...”. Cô gái nhất định đòi mang giúp sư phụ ba lô... Cuộc giằng co khiến hai người ngã đè lên nhau. Đến lúc này, hai ông anh mới quay lại xử lý vụ việc. Cô gái đỏ bừng mặt, kéo lưng áo, lí nhí nói gì đó không rõ. Ba chàng trai sững sờ chết trân tại chỗ như bị sét đánh. Trước mắt họ là một cô gái với sắc đẹp choáng ngợp, như tổ hợp đèn cao áp ở sân bóng đá khiến người ta không thể nhìn lâu. Sắc đẹp của núi cao vời vợi, đại dương mênh mông. Ai cũng muốn chinh phục nhưng ai cũng ngần ngại đắn đo. Ba chàng trai họ Vũ không ngoại lệ. Họ bối rối khờ khạo lấy lộn ba lô của nhau.
Người đẹp lảnh lót cất tiếng chào: - Em chào các anh, Em đi trước nha! Hồn nhiên. Như không có gì xảy ra.
Bến xe buýt gần kề. Ba chàng họ Vũ bị hút theo. Trên xe buýt, họ làm quen với nhau. Người đẹp chói sáng tên Thơ, đang học đại học ở thành phố. Ngày nghỉ, lên Thủ Đức thăm người bạn cùng quê ở ký túc xá. “Các anh học xong, thật sướng!”. Âm hình từ miệng người đẹp phát ra giống như tiếng hát “Mùa xuân đã tới tiếng sáo ai vang vọng núi rừng...”. Và dĩ nhiên, để có câu hát tiếp theo ba chàng đã theo người đẹp về tới nhà hàng Cát Thành ở đầu hẻm 383. “Bà chủ ở đây tốt lắm. Dành cho em một phòng riêng đủ tiện nghi!”. Một lần nữa ba chàng họ Vũ lại bị hoa mắt bởi sự đồ sộ lộng lẫy của tòa nhà. “Số em tốt thật”, cả ba cùng nói. “Ai cũng nói vậy!”, người đẹp cười hớn hở, vô tư “bai bai”. Đi nhanh dễ sợ. Không quay đầu lại nhìn.
Người ta bảo, so sánh là một bản năng của con người. Tục ngữ có câu “Trông người lại nghĩ tới ta” là vậy. Ba chàng họ Vũ buồn tủi mất nửa ngày. Họ ra trường, ngay lập tức phải đối mặt với chuyện tồn tại ở mức tồn tại tối thiểu. Họ tạm thời tá túc trong một phòng trọ rẻ tiền ở khu vực bến xe miền Đông. Hàng ngày đi xe buýt và đi bộ gõ cửa các cơ quan, doanh nghiệp xin việc. Hồ sơ gởi đi. Người đâu thể yên phận chờ đợi. Họ phải làm phụ hồ, phát quảng cáo, chạy xe ôm để có tiền nuôi thân. Ăn uống đối với họ giống như việc đổ xăng. Nghĩa là, chỉ khát mới uống nước, đói rã người mới ăn. Uống nước đun sôi đựng trong chai nhựa. Ăn bánh mì loại rẻ tiền để trong ba lô. Thỉnh thoảng họ lại theo xe buýt đến trước nhà hàng 383 để thăm người đẹp. Nhìn là chính. Nhìn để ước mơ. Thế thôi.
Một ngày mưa gió sụt sùi. Chủ nhà trọ có tang. Bà mẹ bị bệnh già chết. Chủ nhà trọ thuê nhóm “văn nghệ đám ma” đến để kèn trống hát đưa tiễn người đi. Chẳng may nhóm ấy chạy sô ở tỉnh, không thể về được. Vũ Hùng tiện miệng bảo: “Em út tôi hát hay, đàn giỏi, thuê chúng tôi đi. Đảm bảo rầm rộ suốt ba đêm”. Chủ nhà vốn dễ tính trong chuyện hát hò, đồng ý ngay. Ba ngày trời, anh em nhà họ Vũ khuấy động cả một vùng. Vũ Hùng đánh trống, Vũ Trụ đánh chiêng, Vũ Dũng vừa đệm ghi ta vừa hát. Nhớ bài nào hát bài ấy. Không cần micrô. Giống như tiết tấu mở màn hát tuồng. Rùm beng inh ỏi. Từ “Sợi nhớ sợi thương” đến “Hành quân xa”. Tiếp nối vọng cổ, hát xẩm, hát quan họ... Hổ lốn, búa xua. Chất giọng nam trung. Hơi dài dằng dặc. Nhất là mục hát xẩm chợ. “Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha; cho tròn chữ hiếu mới là đạo con!”. Ai cũng thấy vui tai. Ai cũng thấy cảm động. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi gia chủ có mắt tinh đời có tai tinh nhuệ thuê được một ban nhạc chất lượng cao. Gia chủ hài lòng, trả tiền công hậu hĩnh cho anh em họ Vũ. Có tiền, họ vội vàng nhảy lên xe buýt đến nhà hàng Cát Thành ăn mỗi người hai tô miến gà. Và để thăm người đẹp 383.
Cũng thật không ngờ, sau buổi trình diễn đám ma ở nhà chủ trọ, tiếng tăm của ban nhạc họ Vũ lan rộng khắp vùng. Người ở Thủ Đức xuống, người ở nội thành ra, kể cả người ở Bình Dương, Long An cũng tìm đến thuê ban nhạc đến tiễn đưa người chết. Họ bảo, tiếng ca của nghệ sĩ Vũ Dũng làm cho “người đi yên lòng người ở lại yên dạ”. Ba chàng họ Vũ phởn phơ. Liên tục đến nhà hàng Cát Thành ăn miến gà và nhìn người đẹp tên Thơ. Người đẹp bận rộn liên miên. Đi như chạy. Có khi chạm mặt ba người mới nhớ ra. Chào một tiếng nhanh như tiếng nổ cầu dao điện: “Em chào ba anh ạ!”. Rồi biến mất. Cũng có khi gặp mặt, không nhớ ra, không chào hỏi gì hết. Dầu vậy, ba chàng họ Vũ vẫn thích đến. Chỉ cần thấy bóng dáng người đẹp lướt qua là vui rồi.
Bỗng nhiên, một ngày đẹp trời. Gió mát hây hây. Nắng vàng rực rỡ, ba chàng họ Vũ nhận được tin sét đánh! Người đẹp ở Cát Thành đã lấy chồng, lấy một đại gia trẻ tuổi giàu có. Đau khổ phát tán. Xúc động tràn trề. Vũ Dũng hát rống lên. “Em lên xe hoa, cùng ông đại gia. Ăn ngon mặc đẹp. Để lại ta. Côi cút bơ vơ… Ha... ha…”. Tiết tấu khật khửng. Giống như xe gắn máy nghẹt xăng. Khóc không ra khóc, cười không ra cười. Đau lòng xót dạ lắm! Vũ Trụ cay đắng rít lên: - Không côi cút, không bơ vơ. Hắn là đại gia. Ta cũng làm đại gia…
Đại ca Vũ Hùng dõng dạc nói to: Tốt rồi! Dường như Vũ Hùng có tố chất lãnh đạo. Trong lúc khó khăn bi thương là thế, chàng vẫn bình tĩnh làm hồ sơ mở công ty dịch vụ tang lễ và đám cưới… Việc diễn ra nhanh chóng, dễ dàng. Chỉ là hợp pháp hóa biển hiệu “Công ty Trăm nhớ ngàn thương” và tăng năng suất lao động của nhóm ca hát mà thôi. Công ty không có nhân viên. Chỉ có lãnh đạo. Vũ Hùng làm chủ. Vũ Trụ làm phó phụ trách nghệ thuật. Năng khiếu của từng người được phát huy. Đặc biệt lã Vũ Dũng với những ứng tác theo tiết tấu nghẹt xăng rất xúc động lòng người. “Người lên xe tang. Về ngủ trong lòng đất. Để lại côi cút, bơ vơ… Hơ, hơ, hơ…” cho đám tang. Và “Người lên xe hoa. Hạnh phúc bao la. Rực rỡ ngàn hoa. Ha, ha, ha…” cho đám cưới.
Công việc bận rộn khiến ba chàng họ Vũ quên đi người đẹp ở Cát Thành
HOÀNG TÂN