Công viên khoa học là xu hướng tất yếu

Giá trị sản xuất tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) sau gần 20 năm phát triển vẫn liên tục tăng, song phần lớn giá trị tạo ra đến từ các doanh nghiệp FDI. Có thể nói, SHTP hoàn thành sứ mệnh đặt ra là thu hút được các doanh nghiệp FDI, tạo nền móng công nghiệp công nghệ cao cho đất nước. 

Việc hình thành “Công viên khoa học - Trung tâm đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM” là mục tiêu kế tiếp cho phát triển năng lực nội sinh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong số 159 dự án đầu tư vào SHTP có 2/3 là dự án đầu tư trong nước, còn lại là dự án FDI; tổng vốn đầu tư hơn 7,5 tỷ USD, trong đó hơn 80% vốn đầu tư FDI. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 17,5 tỷ USD và năm 2020 ước tính đạt mục tiêu 20 tỷ USD. Để gia tăng năng lực nội sinh, việc xây dựng Khu công viên khoa học nhằm tạo môi trường cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa công nghệ cao, làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố và cả nước. Đây cũng là góp phần cho sự hình thành, phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM trong tương lai. 

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, TPHCM cần một mô hình công viên khoa học phù hợp với xu hướng phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là công cụ để chuyển dịch cơ cấu từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Mô hình công viên khoa học đang hướng tới là nơi gắn kết với SHTP hiện hữu, trung tâm KH-CN của thành phố, là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore, khẳng định tính đúng đắn của TPHCM về xây dựng công viên khoa học, làm hạt nhân thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và triển khai đề án đô thị thông minh. Vì thế, cần có chính sách, biện pháp tăng cường kết nối các lĩnh vực khoa học, trường đại học, nhà khoa học trong nước và quốc tế với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Việc hình thành và phát triển công viên khoa học đang là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. 20 năm gần đây, các nước tiên tiến không ngừng đầu tư xây dựng và phát triển nhiều dạng mô hình khác nhau, từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo hay công viên khoa học, khu công nghệ cao, đô thị khoa học, vùng đô thị KH-CN… Nhiều mô hình công viên khoa học đã thành công tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), lãnh thổ Đài Loan, Ấn Độ, Iran, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia.

Ông Nakajima Takashi (chuyên gia JICA - Nhật Bản) cho biết, Nhật Bản có nhiều công viên khoa học và thành phố thông minh như Tsukuba, Kanagawa, Kashiwanoha. Trong đó, Công viên khoa học Tsukuba được thành lập năm 1963 và qua nhiều giai đoạn để hoàn thiện. Đây là khu vực hợp tác giữa học thuật và phát triển công nghiệp, nhiều dự án được triển khai và được Chính phủ Nhật Bản ủng hộ. “Công viên này tham gia vào các chương trình phát triển của Nhật Bản, đóng vai trò như một trung tâm đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Nakajima Takashi nói thêm.

Tin cùng chuyên mục