Công viên Phần mềm Quang Trung: 10 năm, một bước tiến dài

Ngày 16-3, Công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT) đã tổ chức sinh nhật lần thứ 10. Mới ngày nào còn là vùng đất hoang vắng giữa Sài Gòn, thì nay, nơi đây đã trở thành một trung tâm phát triển phần mềm (PM) hàng đầu ở TPHCM và cả nước. Dịp này, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công ty Phát triển CVPMQT đã “mở lòng” chia sẻ về chặng đường 10 năm qua cũng như hành trình 10 năm kế tiếp của CVPMQT.

Ngày 16-3, Công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT) đã tổ chức sinh nhật lần thứ 10. Mới ngày nào còn là vùng đất hoang vắng giữa Sài Gòn, thì nay, nơi đây đã trở thành một trung tâm phát triển phần mềm (PM) hàng đầu ở TPHCM và cả nước. Dịp này, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công ty Phát triển CVPMQT đã “mở lòng” chia sẻ về chặng đường 10 năm qua cũng như hành trình 10 năm kế tiếp của CVPMQT.

- Ông Nguyễn Đức Hiền: Chính thức được thành lập ngày 16-3-2001, CVPMQT đi vào hoạt động với tổng số vốn đã thực hiện trên 1.806 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 214,65 tỷ đồng, vốn thu hút đầu tư và huy động các nguồn vốn khác khoảng 1.592 tỷ đồng). Giai đoạn 2000-2005 là giai đoạn khởi động, tạo lập CVPMQT, vốn Nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Tham gia đầu tư từ thành phần khác chưa đáng kể, nhưng tạo tiền đề tốt cho giai đoạn sau.

Giai đoạn 2006-2010 đã phát huy đầu tư tăng nhanh hơn. Cụ thể: vốn ngân sách đầu tư chỉ 22 tỷ đồng, đã thu hút được vốn đăng ký từ các nhà đầu tư thêm 4.169 tỷ đồng và thực hiện hoàn thành 1.541 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng 6,5 lần so với giai đoạn 2000-2005. Doanh thu tăng hơn 3 lần, số doanh nghiệp tăng 1,49 lần, quy mô nhân lực tăng 5,8 lần trong đó nhân lực sản xuất tăng 4 lần, nhân lực đào tạo tăng 6,7 lần.

° Kết quả thực hiện đầu tư như ông vừa nêu đã tạo ra môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư trong CVPMQT như thế nào?

- Chúng tôi đã đạt mục tiêu “5 sẵn sàng”, gồm: cơ sở hạ tầng, viễn thông, văn phòng, những tiện ích - dịch vụ và đào tạo nhân lực.

Về viễn thông, hiện tại có hơn 150 doanh nghiệp (DN), tổ chức trong và ngoài nước đặt khoảng 4.500 máy chủ lưu trữ và xử lý dữ liệu tại CVPMQT. Trung tâm dữ liệu của CVPMQT đạt các tiêu chuẩn về hạ tầng, chất lượng dịch vụ và bảo mật hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, CVPMQT đang áp dụng hệ thống Quản lý Chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, hệ thống Quản lý An ninh Thông tin ISO 27001: 2005 được Tổ chức DAS và UKAS công nhận. Tổng sản phẩm và dịch vụ viễn thông phục vụ khách hàng tăng gấp 5 lần so với năm 2005.

Đến nay, CVPMQT cùng các nhà đầu tư đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 20 tòa nhà cung cấp 198.724m2 gồm: 170.924m2 văn phòng làm việc phục vụ các DN, đơn vị đào tạo về CNTT và 27.800m2 phục vụ các tiện ích khác…

Ngoài ra, chúng tôi đã thu hút nhiều đơn vị chuyên ngành đầu tư vào CVPMQT như Đại học Hoa Sen, Cao đẳng Saigon Tech, Trung tâm Đào tạo CNTT TPHCM, SK Telecom IT center, Trung tâm Ươm tạo DNPM Quang Trung... Các đơn vị này đã hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 50.000m2 với đầy đủ tiện nghi, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu – đào tạo và ươm tạo. Viện Nghiên cứu Tính toán TPHCM cũng đang chuẩn bị thủ tục xây dựng 7.100m2, hình thành mối liên kết hiệu quả giữa các Đại học, Viện Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Ươm tạo DNPM và cộng đồng các chuyên gia, các DNPM.

° Thưa ông, cụ thể kết quả thu hút đầu tư như thế nào?

- Từ con số 21 DNPM và 250 người làm việc lúc CVPMQT đi vào hoạt động, đến nay, chúng tôi đã thu hút được 43 đơn vị nước ngoài và 58 đơn vị trong nước, với số người tham gia học tập và làm việc tại CVPMQT lên đến khoảng 22.800 người. Tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 78,83 triệu USD.

° Còn kết quả hoạt động của các DN tại CVPMQT thế nào, thưa ông?

- Qua kết quả khảo sát tại CVPMQT thực hiện vào tháng 1-2011, cho thấy tổng doanh thu của DN ước thực hiện trong năm 2010: Doanh thu trong nước đạt 763,44 tỷ đồng; Doanh thu xuất khẩu đạt 34,76  triệu USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư đến nay tăng 4,7 lần so với năm 2005, riêng tổng vốn thực hiện của các nhà đầu tư tăng 31 lần so với giai đoạn 2000-2005. Kết quả này khẳng định môi trường tại CVPMQT đã tạo được sự tin tưởng cho các nhà đầu tư và chắp cánh cho nhiều DN thành công.

° Ông có những kiến nghị nào cho UBND TPHCM về việc hỗ trợ phát triển CVPMQT không?

Các doanh nghiệp tại CVPMQT có doanh thu cao:

Global Cyber Soft: 130,5  tỷ đồng
GHP Far-East: 45  tỷ đồng
TMA Solution: 207 tỷ đồng
SMS: 6,4 triệu USD
TUV Rheiland: 58,30  tỷ đồng

- Tình hình phát triển của ngành CNTT đã thay đổi nhiều so với lúc mới thành lập. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh liên quan giữa Công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT, công nghiệp nội dung số và các yếu tố tích hợp có mối quan hệ là tiền đề để tạo sức bật trong sản xuất và phát triển. Vì vậy nếu tiếp tục duy trì giới hạn cứng đối tượng được đầu tư vào CVPMQT là sản xuất, hoạt động phần mềm và nội dung số, đào tạo nhân lực như hiện nay sẽ làm mất cơ hội thu hút các DN lớn đầu tư tại CVPMQT. Hiện nay các DN đang hoạt động tại CVPMQT cũng gặp khó khăn khi mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực có mối quan hệ nhân quả với hoạt động sản xuất phần mềm. Đây cũng là nguyên nhân một số nhà đầu tư lớn thuộc công ty đa ngành phải từ bỏ ý định đầu tư tại CVPMQT.

Từ những lý do trên, chúng tôi đề xuất điều chỉnh lại danh mục các đối tượng được đầu tư vào CVPMQT cho phù hợp. Lấy hoạt động sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT là trung tâm đồng thời được phép mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực công nghệ sạch không nhà máy có liên quan hỗ trợ lẫn nhau để phát triển sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.

Chúng tôi cũng đề xuất tiếp tục có quy hoạch quỹ đất và được đầu tư hạ tầng sẵn sàng để chuẩn bị cho mở rộng quy mô đối với CVPMQT và đón đầu các nhà đầu tư lớn.

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục