Công viên Phần mềm Quang Trung: Thời cơ và sứ mệnh

  • Khởi động bằng ý chí
Ông Trần Hữu Dũng, Phó Giám đốc QTSC - thay mặt QTSC nhận giải thưởng "Tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT thành phố"
Ông Trần Hữu Dũng, Phó Giám đốc QTSC - thay mặt QTSC nhận giải thưởng "Tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT thành phố"

TS Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, kể: trong một buổi làm việc với Hội Tin Học TP.HCM vào trung tuần tháng 12-1999, Bí thư Thành ủy TPHCM Trương Tấn Sang (nay là Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng) hạ một quyết tâm chiến lược: nhanh chóng biến khu triển lãm Quang Trung xuống cấp, hoang phế thành một công viên phần mềm. Những xưởng mộc, xưởng làm nước tương đang tồn tại ở đây phải được thay thế bởi máy tính và trí tuệ. Phải làm cho ngành công nghiệp phần mềm cất cánh tại TPHCM. 

Tiếp đó là 15 tháng làm việc quên mình của nhiều cán bộ, chuyên gia của thành phố, của Trung ương và cả các anh chị em Việt kiều, của các CB-CNV Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), để ngày 16-03-2001, Công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT) được chính thức ra mắt dù còn khiêm tốn mọi mặt, với chỉ mươi công ty công nghệ thông tin (CNTT) bước vào làm việc.

Nhìn lại những ngày đầu gầy dựng CVPMQT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Trưởng ban chỉ đạo xây dựng CVPMQT nhận xét: “Lúc đó, không ai biết được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể sản xuất phần mềm cho thị trường nội địa và xuất khẩu hay không. Thế nhưng mọi thứ bây giờ đã thay đổi khi CVPMQT thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và điều này đã trả lời một phần câu hỏi Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới”.

  • Điểm đến của doanh nghiệp CNTT

Đến nay, CVPMQT đang thật sự trở thành điểm đến quốc tế của các doanh nghiệp (DN) CNTT nước ngoài khi có ý định kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á. Hàng ngàn lượt DN đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh, hàng trăm cuộc xúc tiến và tiếp thị hình ảnh ra nước ngoài đã tạo cho CVPMQT một thế đứng vững vàng sau 9 năm hình thành và phát triển. Chính những yếu tố này đã giúp CVPMQT thu hút 104 DN CNTT trong đó có 13 (cả nước có 40) DN có doanh số từ một triệu USD trở lên, cùng với 32 nhà đầu tư và hàng chục DN cung cấp dịch vụ, đã tạo nên một “tiểu đô thị” gần 16.000 người học tập và làm việc.

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM trao giải thưởng cho các doanh nghiệp đạt danh hiệu "The top enterprise of the year" trong lễ kỷ niệm 9 năm thành lập công viên phần mềm Quang Trung
Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM trao giải thưởng cho các doanh nghiệp đạt danh hiệu "The top enterprise of the year" trong  lễ kỷ niệm 9 năm thành lập công viên phần mềm Quang Trung
 

Như lời Ông Yoshioka Kenji, Giám đốc điều hành Jetro tại TPHCM đã nhận xét: “CVPMQT là điểm đến tốt nhất của các DN phần mềm Nhật Bản bởi vì nơi đây có một môi trường thu hút đầu tư thuận lợi như ưu đãi thuế, chính sách thu hút đầu tư tốt và một hạ tầng viễn thông hoàn chỉnh. Chúng tôi tin tưởng rằng CVPMQT tiếp tục trở thành điểm đến của các DN phần mềm Nhật Bản ...”.

Các DN CNTT hàng đầu trong nước đều đã có mặt tại CVPMQT như TMA, GCS, PSD, FPT Telecom, CMC Telecom, ... kết hợp cùng các DN nước ngoài như IBM, SK Telecom, Luxsoft, GHP Far East, Digi-texx ... tạo ra một sức mạnh cộng hưởng trong các hoạt động tiếp thị và thu hút đầu tư. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho CVPMQT mà còn mang đến nhiều lợi ích cho bản thân DN, như lời nhận xét chân tình của ông Rick Yvanovich, Chủ tịch của Amcham IT group phát biểu: “Các DN của Amcham đã chọn CVPMQT vì có một hạ tầng kỹ thuật tốt, tập trung cho ngành CNTT, chi phí cạnh tranh. Tất cả những yếu tố này đã giúp cho các DN thành viên của Amcham phát triển và trở thành những DN gia công hàng đầu của Việt Nam”.

  • Sứ mệnh sắp tới

Giờ đây, thế và lực của CVPMQT đã thuận lợi hơn rất nhiều so với thời điểm hình thành vào năm 2001.Trong lần thăm CVPMQT vào tháng 5-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ kỳ vọng: “Hãy nỗ lực vượt bậc đưa CVPMQT tiến nhanh, đuổi kịp và vượt những đơn vị trong khu vực, sánh vai cùng các nước tiên tiến”.

 Trong bối cảnh mới, QTSC đang gấp rút chuẩn bị định hướng phát triển trong giai đoạn 10 năm kế tiếp 2010 – 2020 để trình Chính phủ và lãnh đạo thành phố. Đây có thể xem là bước chuẩn bị quan trọng để đưa CVPMQT cất cánh ngang tầm với các khu CNTT của các nước tiên tiến.
Điều này, một lần nữa được khẳng định qua lời của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu với báo chí trong buổi lễ kỷ niệm 9 năm ngày thành lập CVPMQT: “CVPMQT là một mô hình thành công, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn nhân rộng mô hình này ở một số tỉnh thành khác trong cả nước”.

Và để cái tên CVPMQT thật sự thăng hoa, theo Giám đốc QTSC Chu Tiến Dũng, phải thực hiện ngay 2 nhiệm vụ: Thứ nhất, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành toàn bộ công trình trước năm 2012 và khai thác tối đa các hạ tầng cơ sở của nhà đầu tư, biến CVPMQT thực sự trở thành một “đô thị CNTT” có chất lượng và dịch vụ cuộc sống đúng nghĩa; Thứ hai, nhân rộng và phát triển thương hiệu CVPMQT ở một số tỉnh thành trong cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ này rất cần sự ủng hộ, tiếp sức mạnh mẽ của Chính phủ, chính quyền thành phố và sự nỗ lực vượt khó của QTSC. Với một tinh thần và ý chí trên chặng đường phát triển mới, CVPMQT chắc chắc sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Văn Thanh

Tin cùng chuyên mục