Công xưởng thế giới lung lay

Toàn cầu hóa từng là nhân tố giúp Trung Quốc cất cánh. Các hãng chế tạo của Hồng Công đổ xô tới những vùng duyên hải phía Đông Trung Quốc vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước do chi phí nhân công rẻ. Hệ thống nhà cung cấp phụ trợ cùng nhiều nhà máy lắp ráp đã giúp hình thành nên những khu công nghiệp hiệu quả tại vùng duyên hải nước này. Trung Quốc trở thành điểm kết nối không thể thiếu trong hệ thống sản xuất của các hãng chế tạo và dần trở thành nhà sản xuất thép, máy ảnh, đồ chơi, đồ thể thao, giầy dép, ti vi, điện thoại… lớn nhất thế giới.

Người Trung Quốc có câu: “không có bữa tiệc nào kéo dài mãi”. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể làm suy giảm vị thế “công xưởng số 1 thế giới”.

Thứ nhất, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các điều luật về môi trường trước sự phản đối của người dân về tình trạng ô nhiễm tràn lan hiện nay khi có quá nhiều kim loại trong đất, hóa chất độc hại trong nước và bụi bẩn trong không khí.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chùn bước bởi nguy cơ mất bản quyền, trong khi Trung Quốc chưa thực sự có một giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng này.

Thứ ba, rủi ro chính trị tại Trung Quốc - từng được xem là rất nhỏ - nay đang trở thành một nhân tố cần xem xét. Ví dụ điển hình là căng thẳng lãnh hải giữa Nhật Bản - Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Nhật Bản gặp không ít khó khăn trong thời gian qua. Cuối cùng, nhân tố đang làm xói mòn vị thế cạnh tranh của Trung Quốc liên quan đến lực lượng lao động.

Có một nghịch lý là quốc gia đông dân nhất thế giới này lại đang bắt đầu thiếu hụt lao động. Quy mô của lực lượng lao động Trung Quốc đạt đỉnh năm 2010, trước mốc dự báo của các nhà dân số học nước này tới 6 năm. Lao động nông thôn ngày càng do dự trước quyết định tới thành phố để kiếm việc do điều kiện sống và làm việc ngày càng khó khăn. Thiếu hụt lao động khiến lương tăng.

Khi các cuộc biểu tình, đình công của công nhân Trung Quốc gia tăng, những tập đoàn lớn như Foxconn, sử dụng tới 1,2 triệu nhân công ở Trung Quốc, đã quyết định phải chuyển sang tự động hóa. Năm 2011, tập đoàn này đã sử dụng 10.000 robot để thay thế công nhân. Tới năm 2014, sẽ có thêm hàng triệu robot để giúp tập đoàn này lắp ráp các sản phẩm điện tử.

Quá trình tự động hóa sẽ lấy đi lợi thế của Trung Quốc vì sản xuất bằng robot sẽ không rẻ hơn những nơi như Texas hay California (Mỹ). Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc điều hành Apple Tim Cook mới đây đã đề cập tới việc tập đoàn này sẽ chuyển việc sản xuất máy tính Mac từ Trung Quốc về Mỹ trong năm tới. Không chỉ Apple, Lenovo - nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất Trung Quốc - cũng cho biết họ sẽ chuyển một số cơ sở lắp ráp về bang Bắc Carolina.

Ở Trung Quốc, 6 thành phố ở tỉnh Liêu Ninh, trong đó có Thẩm Dương và An Sơn, gần đây thông báo sẽ chuyển đổi các khu công nghiệp trở lại thành đất nông nghiệp. Trong khi đó, ở thành phố Đông Hoản thuộc tỉnh Quảng Đông - một thời là nơi bùng nổ các nhà máy - các công ty đã đóng cửa hàng loạt, để lại hậu quả nặng nề cho chính quyền địa phương. Theo tạp chí Forbes, chỉ mới 2 năm sau khi Trung Quốc thay Mỹ là nước chế tạo hàng đầu thế giới, quốc gia này có thể phải đối mặt với việc công nghiệp hóa suy giảm. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục