Crimea bỏ phiếu về quy chế khu vực tự trị

Sau các cuộc thảo luận bất thành giữa Nga và Mỹ về tình hình Ukraine, cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực tự trị Crimea của Ukraine vẫn được xúc tiến vào ngày 16-3.
Crimea bỏ phiếu về quy chế khu vực tự trị

Sau các cuộc thảo luận bất thành giữa Nga và Mỹ về tình hình Ukraine, cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực tự trị Crimea của Ukraine vẫn được xúc tiến vào ngày 16-3.

        Nga tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea

Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ trình HĐBA LHQ

Theo AP, sáng 15-3 (giờ Washington), Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ trình lên HĐBA LHQ, xem cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16-3 là phi pháp. Trung Quốc bỏ phiếu trắng, 13 nước thành viên khác của HĐBA LHQ bỏ phiếu thuận. phát biểu sau phiên họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng, tác giả của bản dự thảo đã “đi ngược lại một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đó là nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc được ghi trong Điều 1 của Hiến chương LHQ”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy Nga “đang bị cô lập” trong cách tiếp cận tình hình tại Ukraine.

Theo Bloomberg, sau cuộc gặp ở London với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào trước khi Crimea hoàn tất cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Phát biểu trong một cuộc họp báo riêng lẻ sau khi gặp ông Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cho biết Nga sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân Crimea. Ông Lavrov cho biết Nga và Mỹ không tìm được “tầm nhìn chung” để giải quyết vấn đề.

Cũng theo Bloomberg, Thủ tướng Crimea Sergei Aksenov, cho biết tỷ lệ đi bỏ phiếu dự báo sẽ trên 80% và Crimea có thể trở thành một phần của Nga trong tuần tới, mặc dù tiến trình gia nhập đầy đủ vào Nga sẽ mất 1 năm. Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng quyết định tiến hành trưng cầu dân ý của Crimea hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định, Nga tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ phản tác dụng và làm phương hại quan hệ giữa nước này với một số nước khác.

Trong khi đó, theo Interfax, đụng độ giữa những người ủng hộ Chính phủ mới của Ukraine và những người biểu tình thân Nga tại thành phố Kharkov, phía Đông Ukraine, đã làm 2 người chết và 1 cảnh sát bị thương.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhóm họp vào ngày 15-3 (giờ Washington) để bỏ phiếu về dự thảo của Mỹ phản đối cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea nhưng nhiều khả năng Nga sẽ phủ quyết.

Thùng phiếu sẵn sàng cho cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea.

Thùng phiếu sẵn sàng cho cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea.

        Cấm vận Nga sẽ ảnh hưởng đến nhiều khu vực

Cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây khác chống Nga sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết một số vấn đề quốc tế quan trọng. Đài Tiếng nói nước Nga cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận như vậy khi phát biểu trong phiên điều trần tại Hạ viện Quốc hội Mỹ. Nga đã đạt được kết quả đáng kể trong các cuộc đàm phán về Syria và Iran, giúp đỡ Mỹ tại Afghanistan.

Chuyên gia Boris Dolgov ở Trung tâm nghiên cứu Ảrập cho rằng Mátxcơva có một thế mạnh về vấn đề Afghanistan. Thông qua lãnh thổ Nga, một phần quan trọng hàng hóa Mỹ đến với nước này. Năm nay, theo kế hoạch, việc rút quân Mỹ cũng sẽ quá cảnh qua Nga. Theo ông Boris Dolgov, trong trường hợp phương Tây áp dụng cấm vận đối với Nga, Nga có thể thắt chặt chính sách ở biên giới phía Nam của mình. Ngoài ra, Nga có thể mở rộng hợp tác kinh tế và quân sự - kỹ thuật với Iran, điều mà phương Tây sẽ không hài lòng.

Tóm lại, có một số điểm buộc phương Tây phải suy nghĩ kỹ về các vấn đề quốc tế khi trừng phạt chống Nga. Ví dụ, không nên quên rằng Nga thật sự đã ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ Obama về giải quyết vấn đề Syria và loại bỏ các loại vũ khí hóa học của nước này. Theo ông Boris Dolgov, hủy bỏ tất cả các thành tựu theo hướng này cũng không có lợi gì cho Washington. Cũng theo chuyên gia Nga, hầu hết các chuyên gia đều thấy rằng ông John Kerry không thể không đưa ra các tuyên bố cứng rắn. Nếu không, trong mắt những người ủng hộ, Chính phủ của Tổng thống Obama sẽ tỏ ra là đối thủ rất yếu ớt và đảng Dân chủ sẽ rất khó lấy lại lòng tin cử tri.

Theo Russia Today (RT), cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea bị phương Tây lên án nhưng có 5 cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây làm ngơ hoặc thậm chí ủng hộ. RT cho rằng điều này cho thấy chính sách hai mặt của phương Tây.

1. Cuộc trưng cầu ở Kosovo, thuộc Serbia: Mỹ và nhiều nước phương Tây khác nhanh chóng công nhận Kosovo độc lập 2 năm trước khi Liên hiệp quốc công nhận vào năm 2008.

2. Nam Sudan tách khỏi Sudan vào năm 2011. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khen ngợi đây là bước tiến lịch sử trong nỗ lực không mệt mỏi của người dân Nam Sudan trên đường tìm kiếm hòa bình.

3. Chính phủ Anh tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế của quần đảo Malvinas (tiếng Anh là Falklands) vào năm 2013 xem dân ở đây có muốn tiếp tục là thuộc địa của Anh hay không bất chấp sự phản đối của Argentina, nước xác nhận chủ quyền với quần đảo này. Kết quả là 98,8% dân ở quần đảo ủng hộ ở lại với Anh.

4. Scotland chuẩn bị trưng cầu ý dân vào tháng 9-2014 về việc tách khỏi Vương quốc Anh. London đe dọa không cho Scotland sử dụng đồng bảng và buộc phải làm đơn gia nhập Liên minh châu Âu, nếu tách khỏi Anh.

5. Catalonia cũng sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào tháng 9 tới xem có tách khỏi Tây Ban Nha hay không. Chính phủ Tây Ban Nha lên án hành động này và xem điều đó đi ngược lại Hiến pháp Tây Ban Nha.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

>> Crimea trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine: Nóng trước giờ G

Tin cùng chuyên mục