Crimea trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine: Nóng trước giờ G

Ngày 14-3, thời điểm 2 ngày trước khi Cộng hòa tự trị Crimea tiến hành trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga, cộng đồng quốc tế được chứng kiến cuộc đối chất nảy lửa chính thức đầu tiên giữa chính phủ tại Kiev được phương Tây ủng hộ và Nga. Ngoài ra, Mátxcơva cũng đang phải đối mặt với những sức ép dữ dội từ phía Mỹ và phương Tây vì vấn đề Crimea.
Crimea trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine: Nóng trước giờ G

Ngày 14-3, thời điểm 2 ngày trước khi Cộng hòa tự trị Crimea tiến hành trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga, cộng đồng quốc tế được chứng kiến cuộc đối chất nảy lửa chính thức đầu tiên giữa chính phủ tại Kiev được phương Tây ủng hộ và Nga. Ngoài ra, Mátxcơva cũng đang phải đối mặt với những sức ép dữ dội từ phía Mỹ và phương Tây vì vấn đề Crimea.

        Đối đầu căng thẳng

“Chúng tôi muốn biết rằng liệu Nga có muốn chiến tranh” - Đó là câu hỏi mà Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy P. Yatsenyuk đã đưa ra cho Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly I. Churkin trước HĐBA LHQ. Đáp lại, ông Churkin nhấn mạnh Nga và người dân Nga đều không mong muốn chiến tranh và tin rằng Ukraine cũng không muốn điều đó.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tái khẳng định lập trường của Mátxcơva rằng cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine bắt nguồn từ khoảng trống pháp lý của khu vực này và là hệ quả của hành động vi hiến lật đổ chính phủ ở Kiev.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga không khởi xướng cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay và cuộc khủng hoảng này mang tính chất nội bộ. Vì thế, Kiev cũng như phương Tây không thể đổ lỗi cho Mátxcơva về những diễn biến tại nước Cộng hòa tự trị Crimea.

Ngày 14-3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã tiến hành cuộc tập trận ở vùng quân sự phía Nam, gần biên giới Ukraine, với sự tham gia của 8.500 binh lính, 36 máy bay quân sự. Trong cuộc tập trận, quân đội Nga cũng sẽ huy động một số lượng lớn pháo, máy phóng tên lửa... Mục đích là kiểm tra khả năng phối hợp giữa các lực lượng bộ binh cơ giới, xe tăng, các đơn vị tấn công trên không và trên biển. Các cuộc tập trận dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 3

Trong khi đó, nhằm gia tăng sức ép với Nga, phương Tây và Mỹ đã đưa ra hàng loạt các biện pháp và đe dọa. Đầu tiên, Mỹ đã soạn một dự thảo nghị quyết yêu cầu HĐBA LHQ lên án cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16-3 tới tại Crimea về kế hoạch sáp nhập vào Nga. Được biết Mỹ đã phân phát văn kiện này tới các thành viên và muốn đưa dự thảo nghị quyết này ra bỏ phiếu tại HĐBA trước ngày 16-3. Tuy nhiên, theo Reuters, Nga tuyên bố sẽ phủ quyết dự thảo nghị quyết này.

Tiếp theo, Nghị viện châu Âu (EP) đang yêu cầu EU thực hiện bước thứ hai theo kế hoạch 3 bước trừng phạt Nga đã được quyết định ngày 6-3. Cụ thể, đình chỉ hoạt động thương mại và các cuộc đàm phán về tự do hóa thị thực; đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Nga nếu Mátxcơva không chịu đàm phán trực tiếp với Kiev; và bước ba bao gồm những biện pháp “mạnh tay” hơn, đó là trừng phạt kinh tế.

Phản ứng trước động thái trên, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov cảnh báo: bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU đối với Nga sẽ mở nút cho các biện pháp trả đũa, và có thể dẫn đến một “sự đóng băng chưa từng có” đối với những cuộc tiếp xúc chính trị, thậm chí tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Người dân Crimea tuần hành ủng hộ trưng cầu dân ý.

Người dân Crimea tuần hành ủng hộ trưng cầu dân ý.

        Giải quyết khủng hoảng theo ý nguyện người dân

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 13-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá về tình hình Ukraine và nhấn mạnh khủng hoảng tại đây chỉ có thể giải quyết trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối quyền lợi và ý nguyện của người dân mọi sắc tộc ở tất cả các vùng của nước này.

Động thái mới nhất của Nga trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine là Mátxcơva đã ủng hộ kế hoạch cử phái bộ quan sát viên quốc tế đến Kiev. Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Thomas Greminger, cho biết Nga ủng hộ chủ trương nhanh chóng triển khai một phái bộ giám sát của OSCE tại Ukraine, bao gồm cả Cộng hòa tự trị Crimea.

Theo dự thảo quyết định của OSCE, sẽ có ít nhất 100 quan sát viên quốc tế được cử đến Ukraine. Trong khi đó, theo Hãng tin Ria-Novosti, hơn 21 quốc gia bao gồm cả Mỹ, đã đăng ký quan sát viên tham gia cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea vào ngày 16-3 tới.

Trong cuộc trưng cầu lần này người dân tại Crimea sẽ có 2 lựa chọn: sáp nhập vào Liên bang Nga hoặc ở lại Ukraine với quyền tự trị lớn hơn. Dự kiến sẽ có hơn 1,5 triệu người tại Crimea đi bỏ phiếu lần này. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào ngày 17-3.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Hơn 71% người Nga ủng hộ Tổng thống Putin

Ria Novosti ngày 14-3 công bố kết quả thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) cho thấy uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cao kỷ lục, lên tới 71,6%. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Theo VTsIOM, những sự kiện chính tác động tới đánh giá của người dân Nga là cuộc khủng hoảng ở Ukraine và tình hình bán đảo Crimea, tổ chức Đại hội Thể thao mùa Đông và Đại hội thể thao Paralympic mùa Đông Sochi 2014. Cuộc thăm dò trên được tiến hành từ ngày 8 đến 9-3 đối với 1.600 người tại 130 điểm dân cư của Nga. Vào lúc nhậm chức tổng thống hồi tháng 5-2012, tỷ lệ ủng hộ ông Putin là 68,8%.

PHƯƠNG NAM


- Thông tin liên quan:

>> Tổng thống Mỹ gặp Thủ tướng lâm thời Ukraine

>> Nga cho phép Ukraine điều máy bay giám sát đến biên giới

>> Phương Tây lên kế hoạch cấm vận Nga

Tin cùng chuyên mục